Đến nay, huyện Kim Sơn có 7 làng nghề cói được tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận làng nghề với gần 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng, chế biến cói. Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia sản xuất hàng cói đã từng bước đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới cách quản lý và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ và tay nghề cho công nhân, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra mẫu hàng mới đa dạng, có thẩm mỹ cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, từng bước cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường... Mỗi năm, doanh thu từ chế biến cói đạt trên 200 tỷ đồng. Nghề trồng, chế biến cói đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 23.250 lao động.
Cùng với đẩy mạnh chế biến, Kim Sơn đã tập trung triển khai khôi phục và mở rộng diện tích trồng mới cói để đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến hàng xuất khẩu. Năm 2006, diện tích cói của Kim Sơn đạt 409 ha và đến cuối năm 2007 đạt 474 ha; trong đó diện tích khôi phục và trồng mới là 153,8 ha. Diện tích cói được trồng tập trung ở Công ty nông nghiệp Bình Minh và 13 xã trong huyện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây do thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng cói xuất khẩu ngày càng giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến cói gặp khó khăn, không ký được nhiều hợp đồng làm hàng cói. Mặt khác, lượng cói tồn kho vụ mùa chuyển sang đầu năm 2008 còn khá nhiều, làm cho giá cói tiếp tục giảm chỉ còn 1.200- 1.600 đồng/kg, có thời điểm xuống chỉ còn 800 đồng/kg nên một số hộ trồng cói không tiếp tục duy trì diện tích cói đã có, không trồng mới, việc chăm sóc cói cũng không được quan tâm đầu tư nên cả diện tích, năng suất và sản lượng cói đều giảm so với năm trước. Diện tích cói vụ chiêm 2008 đạt 342 ha, giảm gần 129 ha so với vụ chiêm xuân 2007; Sản lượng cói chẻ khô ước đạt 2.545 tấn, giảm 1.518 tấn so với vụ chiêm 2007…
Phơi các sản phẩm cói xuất khẩu. Ảnh: Kim Duyên
Để thúc đẩy sản xuất CN- TTCN và làng nghề, nhất là nghề trồng, chế biến cói, Kim Sơn đã đề ra những giải pháp cụ thể. Trước hết tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của huyện cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời xây dựng quy hoạch phát triển CN- TTCN, làng nghề, ngành nghề nông thôn theo đúng định hướng Nghị quyết Huyện ủy đề ra.
Kim Sơn đề ra một số chính sách và giải pháp cụ thể như tạo điều kiện về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất TTCN, nhất là phát triển sản phẩm cói. Ngoài chính sách hỗ trợ về giống và khôi phục ruộng cói của tỉnh, từ năm 2008 huyện trích ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng, mở rộng diện tích cói nguyên liệu trong vùng quy hoạch với mức hỗ trợ 1 lần trồng mới là 1 triệu đồng/ha; hỗ trợ 1 lần khôi phục, cải tạo là 500.000 đồng/ha. Các đơn vị được tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề được hỗ trợ 1 lần là 15 triệu đồng/đơn vị. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở trong Hiệp hội nghề cói góp vốn cùng với quỹ bình ổn giá cói nguyên liệu để hỗ trợ người trồng cói khi giá cói xuống thấp, nhằm đảm bảo diện tích trồng cói.
Hàng năm, huyện dành một phần kinh phí để phục vụ cho việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất CN- TTCN, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, giá trị mỹ thuật và độ tinh xảo của sản phẩm truyền thồng. Đối với các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chế biến cói, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nắm bắt nhu cầu thị trường, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với công nghệ chế biến nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển vững chắc, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng sản xuất CN- TTCN bình quân hàng năm đạt 17% trở lên. Tỷ trọng giá trị sản phẩm CN- TTCN trong cơ cấu kinh tế chung đến năm 2010 đạt 39%. Đến năm 2010 có 15- 20 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, thu hút trên 80% số lao động nông nhàn vào sản xuất TTCN.
Thanh Chiên