Thực tế cho thấy, nghề báo là nghề đặc thù và có phần khắc nghiệt hơn các nghề khác do phóng viên phải chịu áp lực từ nhiều phía. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên không ngại khó, ngại khổ lăn lộn đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất để kịp thời phản ánh "hơi thở" của cuộc sống, là cầu nối truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.
Bên cạnh đó, áp lực còn đến từ tin, bài do Ban Biên tập phân công. Có những bài viết mang tính thời sự được lãnh đạo chỉ định, phân công hoàn thành trong thời gian tính bằng giờ. Tôi nhớ, vào dịp tỉnh Ninh Bình Kỷ niệm 53 năm kết nghĩa với tỉnh Bạc Liêu, báo chí tỉnh nhà có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền về mối quan hệ keo sơn gắn bó, tình cảm chân tình, thân thiết giữa hai tỉnh. Một ngày gần cuối buổi sáng, đồng chí Tổng Biên tập điện thoại yêu cầu trước 4h chiều phải có bài viết về Trường THCS Ninh Khánh (thành phố Ninh Bình) - một trong những công trình kỷ niệm mối tình kết nghĩa. Nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng, vội điện thoại ngay cho cô giáo hiệu trưởng nhà trường (rất may trước đó tôi đã từng làm việc, có mối quan hệ thân tình với cô hiệu trưởng) và dù đã hết giờ làm việc nhưng cô vẫn đồng ý ở lại để cung cấp thông tin, tài liệu viết bài. Hơn 12h trưa mới về đến nhà, chẳng kịp ăn uống cho ra bữa, tôi bắt tay vào viết ngay vì áp lực chất lượng bài viết, áp lực thời gian không cho phép mình được nghỉ ngơi. Sau gần 3h đồng hồ, bài viết đã hoàn thành, tôi vội gửi ngay cho Tòa soạn để không ảnh hưởng đến tiến độ làm báo của cả một tập thể...
Vậy nên, nếu ai đó nghĩ "Nghề báo sướng thật" thì chưa thực sự hiểu và đồng cảm. Có lẽ chỉ những người trong nghề mới thấy hết nỗi vất vả của phóng viên. Mỗi chuyến đi, phóng viên đều có những suy tính, dự định từ trước, nhưng nhiều khi không chủ động được thời gian, hiệu quả công việc. Nhiều khi phóng viên đã hẹn trước cơ sở nhưng xuống đến nơi vì nhiều lý do khác nhau (có người kêu bận việc đột xuất, có người lấy lý do vì sai thời gian đã hẹn trước, có cả trường hợp "trốn" không tiếp…), không gặp được người cung cấp thông tin, bài viết coi như phải làm lại hoặc chuyển địa điểm khác. Rồi khi mọi người được nghỉ ngơi cũng là lúc phóng viên bắt tay vào viết, truyền tin, bài về tòa soạn để bộ phận biên tập kịp thời chỉnh sửa, đăng báo. Nghề phóng viên là nghề "mang nợ", bởi sau khi hoàn thành bài viết, phóng viên lại tiếp tục bắt tay cho việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho những số báo sau.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, phóng viên tất bật với những kế hoạch viết báo đăng các số thường kỳ, đồng thời còn phải triển khai bài viết cho các số báo Xuân… Những ngày cuối năm hay những dịp diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh luôn là "vòng quay" gấp gáp của các phóng viên, những người sức khỏe không tốt ốm, ngất là chuyện có thể xảy ra...
Báo Ninh Bình là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân, nên mỗi phóng viên, người làm báo Ninh Bình đã không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ báo chí. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ việc nâng cao chất lượng báo. Hiện, Báo Ninh Bình có 2 ấn phẩm báo in, gồm Báo Ninh Bình hàng ngày in khổ rộng, phát hành 4 kỳ/tuần và Báo Ninh Bình cuối tuần in khổ vừa phát hành 1kỳ/tuần. Cả 2 số báo đều in 4 màu, lượng phát hành được nâng lên 10 nghìn tờ/kỳ.
Ngoài ra còn có trang thông tin điện tử tổng hợp, là kênh thông tin quan trọng, nhanh nhạy trong việc truyền tải những thông tin kinh tế-xã hội của Ninh Bình đến đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Với trọng trách được giao, mỗi phóng viên Báo Ninh Bình khi đặt bút viết bài luôn đặt câu hỏi, bài báo đó có lợi gì cho công chúng, mang lại những gì mà xã hội cần, có thực sự phục vụ nhân dân? Vì vậy, muốn có nhiều bài báo hay, hấp dẫn, thu hút bạn đọc, tạo nên "thương hiệu riêng" thì mỗi nhà báo không ngừng tìm tòi, học hỏi, đào sâu suy nghĩ, viết bằng chính sức lực, trí tuệ, tâm huyết của bản thân mình.
Nói như vậy không phải nghề báo chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, mà nó còn đem lại cho người làm báo có những trải nghiệm mới và những cái "được" không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là được đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, từ đó hiểu biết xã hội được nâng cao. Và tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nhưng những người làm báo còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn đọc, đồng nghiệp và của các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6…, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có hoa và quà chúc mừng cán bộ, phóng viên, nhân viên. Hội Nhà báo tỉnh hàng năm tổ chức cho hội viên đi học tập, trao đổi, giao lưu với các báo bạn và các đồng chí lãnh đạo Ban Biên tập thường xuyên động viên, khen thưởng đối với những nhà báo có thành tích trong công tác tuyên truyền… Những lời động viên, những tin nhắn chúc mừng của người thân, đồng nghiệp hay độc giả đã tiếp thêm nhiệt huyết cho phóng viên bước tiếp trên con đường đã chọn. Ngoài ra, còn phải kể đến niềm vinh dự, tự hào sau mỗi năm miệt mài công tác, nhà báo lại có những tác phẩm được xét trao giải thưởng trong các cuộc thi phát động viết về đề tài y tế, cải cách hành chính, giao thông, du lịch, xây dựng Đảng, gương người tốt việc tốt…
Song hạnh phúc lớn hơn đối với mỗi phóng viên, mỗi nhà báo là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng quan tâm, đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội. Những bài viết phản ánh về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, về cuộc sống xung quanh, về gương người tốt việc tốt…, sau khi đăng báo được các cơ quan chức năng cảm ơn, ghi nhận; nhiều nhân vật gặp khó khăn trong bài viết được xã hội quan tâm, chia sẻ; những điển hình tiêu biểu trở thành tấm gương cho mọi người học và làm theo… tất cả trở thành niềm vui, niềm tự hào và là bằng chứng khẳng định vinh quang của những người làm báo.
Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Nhận lãnh trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội trao gửi, người làm báo cũng là người chiến sỹ để mỗi khi một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc là sự vào cuộc của cả một tập thể phóng viên, biên tập viên, đội ngũ người làm báo. Và để có những bài báo chất lượng, mang hơi thở cuộc sống, sự quan tâm, góp ý của bạn đọc là nguồn động viên để những người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề, góp phần mang lại sự sinh động, đa dạng và hiệu quả cho tờ báo.
Mỹ Hạnh