Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân (ảnh) ở phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) - một trong những người trực tiếp tham gia bỏ phiếu để bầu ra các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khóa I và ghi lại những ký ức của ông về ngày trọng đại này. Khi chúng tôi hỏi thăm nhà lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân, những người hàng xóm của cụ liền hỏi: "Các chị là nhà báo đúng không? Nhà cụ Thân ngày nào chả có khách đến thăm, trò chuyện với cụ. Cụ sống tình cảm, gần dân, trọng dân, cả phố đều yêu mến, mong sao cụ sống lâu để chúng tôi cũng như con cháu còn được nghe những câu chuyện về những năm tháng tham gia cách mạng của cụ"... Câu trả lời của những người hàng xóm khiến chúng tôi cảm thấy rất vui và nhận ra rằng, ký ức những thời khắc lịch sử của cha ông là dòng chảy bất tận mà nhiều người đi sau luôn muốn được lắng nghe, ghi lại để trân trọng và tri ân...
Biết chúng tôi là nhà báo và có ý định muốn ông kể cho nghe về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ở Ninh Bình, lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân vui lắm, ông cười: Tôi già rồi, giờ nhớ lại kỷ niệm của 70 năm về trước e là không được rành mạch lắm đâu... Nói rồi, ông đưa tay lên trán như thể khơi gợi lại dòng ký ức của mình trong ngày tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông bảo: Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942, sau đó bị địch bắt và đưa ra xét xử ngày 1-4-1944 ở Vĩnh Yên, rồi bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công tôi mới được giải thoát để tiếp tục công tác ở Tỉnh bộ Việt Minh Nam Định. Đến tháng 11-1945, tôi được cách mạng điều chuyển về công tác tại tỉnh Ninh Bình và nhiệm vụ lúc đó là tham gia tuyên truyền để mọi người dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trong lần bầu cử đầu tiên, nhằm củng cố vững chắc chính quyền cách mạng.
Tôi nhớ, hồi đó, chuẩn bị Tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng, xã. Ninh Bình được bầu 6 đại biểu. Trong danh sách để bầu có 9 người, trong đó có 3 đảng viên. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri được như bây giờ nhưng danh sách các ứng cử viên cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi và phổ biến rộng rãi tới cử tri. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: "Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình". Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tôi cũng như đông đảo cử tri Ninh Bình đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
Cũng theo lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân, ngày 6-1-1946 thực sự là ngày hội. Trên các nẻo đường ở Ninh Bình, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng tổng tuyển cử được treo rợp trời, người người đều ăn mặc sạch sẽ, bàn tán sôi nổi về quyền công dân. Ông nhớ lại: Sáng sớm ngày Tổng tuyển cử, tôi đến điểm bầu cử sớm, nhưng đã có đông người dân đứng ở đó, ai cũng hớn hở, hào hứng chờ đến lượt mình. Người không biết chữ thì nhờ người viết hộ, nhưng bảo đảm bí mật, trực tiếp, bỏ phiếu kín, không bầu thay, bầu hộ. Kết quả là đã có 6 đại biểu trúng cử.
Trong số 6 đại biểu trúng cử có bác Phạm Văn Hồng là Chủ tịch ủy ban lâm thời huyện Gia Khánh; Trương Văn Công, Tỉnh ủy viên phụ trách huyện Yên Mô; Phan Văn Vợi, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ủy viên Tuyên truyền, Chủ tịch ủy ban hành chính huyện Nho Quan; Ngô Tử Hạ, Hội trưởng Tổng hội cứu tế Việt Nam, Giám đốc Trường Tiểu học Chu Hậu; Trần Công Chỉnh, thanh niên công giáo, phụ trách Công giáo vận Hà Nội, Phó Chủ tịch Công giáo toàn quốc và Lê Văn Cầu, công chức cũ. Bác Phạm Văn Hồng là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh...
Sinh năm 1925 ở xã Lộc Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, năm nay lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân vừa tròn 90 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Ông cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín và đã hoàn toàn thắng lợi. Ông nhận xét: Kể từ khóa I đến nay, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng phát triển, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Năm 1947, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ Liên hiệp Phụ nữ huyện Nho Quan và kể từ đây Ninh Bình là quê hương thứ hai của ông. Thông minh, nhanh nhẹn, kiên trung, ông từng được cấp trên giao giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và chính quyền tỉnh Ninh Bình như: cán bộ ở Văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh, Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Nho Quan, Bí thư Huyện ủy Nho Quan (Ninh Bình), Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Bình. Năm 1966-1967, ông được cử làm Trưởng ty Công nghiệp, sau đó làm Chủ nhiệm ủy ban kế hoạch tỉnh Ninh Bình. Sau đó, ông được cử sang Lào làm cố vấn 10 năm. Về nước, ông giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Hoa Lư, Bí thư Thị ủy Ninh Bình rồi làm Chánh án tỉnh Hà Nam Ninh cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu ông lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Ninh Bình cho đến ngoài 80 tuổi. Từ những cống hiến cho cách mạng, lão thành Nguyễn Mạnh Thân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; kỷ niệm chương về công tác xây dựng Đảng; Bằng công nhận người có công với cách mạng cùng nhiều huân, huy chương các loại và nhiều Bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương.
Cuộc trò chuyện về ký ức ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với lão thành cách mạng Nguyễn Mạnh Thân đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về niềm hạnh phúc của những người lần đầu tiên được sử dụng quyền công dân của mình- đi bầu cử để bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước- Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có lẽ chính vì đó mà sự kiện ấy đã trở thành ký ức khó phai trong cuộc đời của ông.
Bài, ảnh: Mai Lan- Duy Hiền