Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo,ngày học chính thức của các khối mầm non, tiểu học, THCS là 15-8 và 21-8 đối với khối THPT và Bổ túc THPT. Kết thúc năm học muộn nhất là 31-5.
Việc học sinh nhập học sớm hơn so với bình thường là vì đề phòng trong năm có thể xảy ra thiên tai như: Lũ lụt, rét đậm, rét hại… học sinh phải nghỉ học và thời gian nghỉ Tết của các em sẽ được kéo dài hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT) thì những lý do mà Bộ đưa ra để thực hiện việc học sớm so với thường niên không thuyết phục. Vì ở miền Bắc nước ta, tháng 8 trời vẫn nắng gắt, học sinh đến trường vào thời gian này chưa hợp lý. Thiên tai, lũ lụt không phải là vấn đề khó khắc phục. Hơn nữa chúng ta đang thực hiện giảm tải chương trình thì biên chế năm học của khối THPT và THCS lại tăng thêm 2 tuần (từ 35 tuần lên 37 tuần).
Trên thực tế sau 2 tháng hè, học sinh vẫn còn "dư âm" của kỳ nghỉ, chưa thể tập trung ngay cho việc học tập. Bà Tống Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Trương Hán Siêu nói: Bắt buộc học sinh đến trường từ tháng 8 là đúng, nhưng thời gian này nhà trường chỉ nên tổ chức ôn tập, ổn định nền nếp, tổ chức lao động, tu sửa trường lớp để chuẩn bị năm học mới chứ không nên tổ chức học chính khóa.
Bên cạnh đó, tháng 8, giáo viên mới đến trường có rất nhiều các công việc phải làm để chuẩn bị cho năm học mới như: Tổ chức thi lại cho học sinh yếu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị, làm công tác phổ cập... Tôi nghĩ, lịch học mới này đã làm xáo trộn nền nếp của cả học sinh lẫn giáo viên vì thế chất lượng học trong thời gian này là không cao.
Cùng quan điểm với bà Tống Thị Thắm, cô giáo Vũ Thị Hợp (Nho Quan) chia sẻ: Sau 2 tháng nghỉ hè, giáo viên đến trường với một khối lượng công việc khổng lồ, phải làm việc cật lực mới hoàn thành để chuẩn bị cho năm học mới. Hơn nữa, ai cũng biết rằng khai giảng chính là ngày bắt đầu của năm học mới. Thế nhưng khai giảng thế này chỉ có ý nghĩa hình thức, không còn có sự chuẩn bị náo nức như trước đây.
Em Nguyễn Thị Ngân (Nho Quan) cho biết: Mặc dù em đã học lớp 12 nhưng năm học nào đến ngày khai giảng em vẫn cảm thấy hồi hộp, chờ đón. Và sau tiếng trống khai trường học sinh học bắt đầu học bài mới.
Thiết nghĩ, những lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra cũng rất thiết thực đối với học sinh. Tuy nhiên, việc học sớm rất có thể nó chưa trở thành động hình, không khỏi gây xáo trộn trong tâm lý của giáo viên cũng như học sinh.
Nguyễn Thơm