Đảng bộ Sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị 03, trong đó tập trung chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến 100% cán bộ, đảng viên, công chức. Đồng thời gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03 với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước của ngành, góp phần đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình tiếp tục được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03, Đảng ủy Sở đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan. Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Tại buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, nhiều vấn đề thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ, chất lượng công tác đã được đảng viên trực tiếp tham gia thảo luận, bàn bạc để đi đến thống nhất, triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Do vậy, nội dung sinh hoạt chi bộ ở các đơn vị trong toàn ngành luôn được đổi mới và mang tính chuyên sâu, toàn diện. Đa số cán bộ, đảng viên, công chức trong ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ mọi mặt, đổi mới phương pháp làm việc theo hướng khoa học.
Cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn ngành đã chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết, chương trình, đề án phát triển du lịch, văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước và các hoạt động chuyên môn của ngành như: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 13-2-2015 của ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh... Cùng với đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; phối hợp tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn do Trung ương và các địa phương tổ chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ văn hóa, du dịch, công tác quản lý và tổ chức lễ hội...
Trong lĩnh vực du lịch đã tạo ra bước đột phá về kết cấu hạ tầng. Các cơ sở dịch vụ, các nhà hàng cao cấp, cơ sở lưu trú cao cấp được xây dựng, mở rộng. Nếu như năm 2008, toàn tỉnh mới có 103 cơ sở lưu trú với 1.576 phòng ngủ và chưa có khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trở lên, thì đến nay, toàn tỉnh đã có 286 cơ sở lưu trú du lịch, với 4.508 phòng ngủ. Trong đó có 38 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 2 sao, 1 khách sạn 3 sao, 3 khách sạn 4 sao. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có 82 khách sạn, trong đó có 60 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao và 22 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được tỉnh quan tâm, đầu tư cả về kinh phí và phương thức tổ chức. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch, tham gia hội chợ du lịch trong và ngoài nước.
Hàng năm, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch mời các hãng lữ hành lớn, các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế về tham quan, khảo sát, xây dựng tour, quảng bá và đưa khách du lịch về Ninh Bình. Nhờ đổi mới về phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch cũng như tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nên lượng khách du lịch của Ninh Bình ngày càng tăng và thị trường khách được mở rộng (từ Đông Bắc á đến châu Âu, châu Mỹ). Năm 2010, toàn ngành đón 3.275.000 lượt khách, doanh thu đạt 559 tỷ đồng, nộp ngân sách 56 tỷ đồng. Năm 2015, toàn ngành ước đón trên 4 triệu lượt khách, doanh thu tăng trên 5% so với năm 2013. Tăng trưởng du lịch bình quân của tỉnh giai đoạn 2010-2014 đạt 7,08%.
Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên với nhiều nội dung đa dạng, phong phú, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và địa phương, đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hàng năm tổ chức trên 500 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ giữa các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng. Tại nhiều địa phương đã tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ chèo, mở các lớp dạy hát Chèo, hát Xẩm ở các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Yên Khánh, Yên Mô... Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được coi trọng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan quản lý tốt các di tích trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra hiện tượng xâm phạm di tích. Trong 5 năm, đã tổ chức Hội đồng khoa học xét duyệt và công nhận 107 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp Quốc gia được nâng cấp thành di tích cấp quốc gia đặc biệt, trong đó Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 79 di tích cấp quốc gia, 314 di tích cấp tỉnh. Các di sản văn hóa được bảo tồn, không những góp phần quan trọng phát triển du lịch Ninh Bình mà còn có tác dụng giáo dục, bồi đắp truyền thống dân tộc cho nhân dân trong, ngoài tỉnh mỗi khi đến tham quan, chiêm bái.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng tại cơ sở. Hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT ở các cấp, các ngành theo hướng xã hội hóa được đẩy mạnh, thu hút đông đảo các đối tượng, tầng lớp nhân dân tham gia. Các công trình thể thao từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Toàn tỉnh hiện có trên 600 câu lạc bộ TDTT cơ sở. Hệ thống sân thi đấu dành cho các hoạt động TDTT, khu vui chơi cho trẻ em được nâng cấp với trên 600 sân cầu lông, 123 sân thể thao cơ bản, 442 sân bóng đá và 70 sân quần vợt. Đến nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đã đạt 28%, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 23,5%.
Cùng với đó, hoạt động thể thao thành tích cao luôn được ngành quan tâm từ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tới tổ chức thi đấu. 5 năm qua, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước và quốc tế và đoạt 459 huy chương (trong đó đoạt 68 huy chương quốc tế, 391 huy chương quốc gia). Nổi bật là Đội Bóng chuyền nam Tràng An liên tục trụ vững hạng các đội mạnh toàn quốc (2 lần đoạt Cúp vô địch Quốc gia, 3 lần đoạt Cúp Hùng Vương và 4 lần đoạt Cup Hoa Lư). Các cá nhân tiêu biểu như: Nguyễn Đình Cương, Trương Thanh Hằng (môn điền kinh); Hà Văn Hiếu, Trần Văn Tưởng (môn vật), Đồng Khánh Linh (môn cờ vua)... đã mang về cho tỉnh nhiều huy chương quốc gia, quốc tế.
Đức Nghĩa