Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Từ đó ngày 28 tháng 8 hàng năm trở thành "Ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam".
Với chức năng quản lý công tác tư pháp, ngay sau khi khi ra đời, Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp năm 1946, đồng thời nỗ lực, tập trung giúp Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.
Xây dựng pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt 74 năm lịch sử ngành Tư pháp. Với tư duy pháp lý mới, ngành Tư pháp đã có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Những bộ luật lớn đầu tiên, có thể coi là những trụ cột của hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới đã được giao cho ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo. Đó là Bộ luật Hình sự năm 1986, 1999, 2015; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988, 2003, 2015; Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, 2000; 2014 ; Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005, 2015; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, 2002, 2008, 2015. Bên cạnh hoạt động soạn thảo văn bản pháp luật, ngành Tư pháp còn được giao nhiệm vụ thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản, bảo đảm tốt hơn tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Hệ thống thông tin pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên theo các Chương trình quốc gia với cơ quan tư pháp làm đầu mối và là Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp. Đồng thời, ngành Tư pháp đã và đang nỗ lực tăng cường quản lý Nhà nước đối với mạng lưới các dịch vụ pháp lý, bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài sản, hòa giải, trọng tài với mục tiêu góp phần giúp nhân dân nắm vững pháp luật, xử sự theo pháp luật, sử dụng các công cụ pháp luật và trong những trường hợp cần thiết, làm chỗ dựa tin cậy giúp nhân dân bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi thúc đẩy các giao lưu dân sự, kinh tế trong nước và quốc tế.
Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành Tư pháp Việt Nam, từ khi tái lập tỉnh (năm 1992) đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể; sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Tư pháp Ninh Bình đã có sự phát triển đáng kể, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của Ngành và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với số lượng cán bộ, công chức, viên chức ban đầu chỉ có 10 người, đến nay tăng lên 354 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gồm cả Sở Tư pháp và các Phòng tư pháp cấp huyện, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã); trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt. Các cơ quan tư pháp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của Ngành, thực hiện và hoàn thành tốt chương trình công tác tư pháp các năm.
Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng với những giải pháp đột phá. Từ năm 2005 đến tháng 6/2019, đã thẩm định 1.512 dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND các cấp; thực hiện rà soát 1.149 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành và đóng góp ý kiến vào 579 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính theo yêu cầu. Ngoài ra, Sở và các Phòng Tư pháp còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị hàng năm soạn thảo hàng trăm văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND. Công tác tổ chức thi hành pháp luật đã có sự gắn kết giữa việc kiểm soát thủ tục hành chính và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như: Chứng thực; an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè; đất đai, ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Do làm tốt công tác "tiền kiểm tra" nên chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản của HĐND và UBND các cấp hiện nay được nâng lên rõ rệt và có tính khả thi cao.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành; nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới, ngày càng có hiệu quả, góp phần hình thành nếp sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2003 trở lại đây, toàn tỉnh đã tổ chức trên 17.612 cuộc phổ biến nội dung cơ bản của văn bản pháp luật cho khoảng 1.564.020 lượt người tham gia; biên soạn hơn 1.000.000 tài liệu tuyên truyền liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau; phát 3.840.000 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng, 69.600 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã; xây dựng 726 chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp tổ chức 521 hội diễn, cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng nghìn hội viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia; tổ chức hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam dần trở thành một nhiệm vụ thường xuyên gắn với hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, để góp phần củng cố niềm tin pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật cho cán bộ và nhân dân, giữ vững an ninh chính trị ngay từ cơ sở, công tác xây dựng, khai thác, quản lý tủ sách pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã được quan tâm, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, cả tỉnh đã có 1.495 tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị và các xã, phường, thị trấn; hàng năm Sở Tư pháp đã bổ sung hơn 3.000 đầu sách pháp luật mới. Rà soát, thành lập, kiện toàn 1.692 tổ hòa giải với 10.580 hòa giải viên, đã tiếp nhận 15.635 vụ việc, hòa giải thành 14.577 vụ việc.
Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cũng được đẩy mạnh theo hướng đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người dân như cấp phiếu lý lịch tư pháp (hơn 17.644 trường hợp), giải quyết các việc về hộ tịch theo yêu cầu của công dân. Từ khi có Luật Hộ tịch đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết 142.345 việc hộ tịch (78.871 trường hợp đăng ký khai sinh, 17.555 trường hợp đăng ký khai tử, các việc hộ tịch khác: 45.919 trường hợp). Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý, công chứng, chứng thực, luật sư, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thi hành án dân sự, thừa phát lại cũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Hàng năm, cùng với phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phong trào thi đua "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được quán triệt và triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tư pháp đã chuyển hóa tư tưởng của Người vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. Hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua "Ngành Tư pháp Ninh Bình chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới" được Ngành xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và phát động sâu rộng trong toàn Ngành. Trên tinh thần gắn với nhiệm vụ chuyên môn, hệ thống cơ quan Tư pháp 3 cấp đã đẩy mạnh các hoạt động tư pháp phục vụ tích cực, hiệu quả vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Do làm tốt công tác tham mưu và quản lý tốt công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, ngành Tư pháp Ninh Bình nhiều năm liền được Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen và danh hiệu thi đua khác. Đặc biệt, năm 2018, Sở Tư pháp đã được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua. Toàn ngành có trên 500 cá nhân được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu lao động tiên tiến.
Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức và nhiệm vụ mới cho ngành Tư pháp. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Ninh Bình luôn nỗ lực thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy - Cán bộ Tư pháp phải "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư", tiếp tục hưởng ứng việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phát huy tinh thần: "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, phát triển", không ngừng năng động, sáng tạo, học tập, rèn luyện, tu dưỡng về chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trước mắt là đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp những tháng cuối năm 2019, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Phạm Minh Thường
Giám đốc Sở Tư pháp