Khi mới thành lập, hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành chưa đầy đủ, mới chỉ thành lập được ở cấp tỉnh với biên chế ban đầu là 39 công chức, 18 viên chức và 61 hợp đồng lao động với 4 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Đối với cấp huyện, cấp xã, nguồn nhân lực thiếu và yếu, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Sở đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức, bộ máy trên cơ sở kế thừa, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, do vậy, tổ chức, bộ máy của ngành không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường có 6 phòng chuyên môn, 2 đơn vị Chi cục và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 180 người (tăng 1,8 lần so với năm 2003); trình độ thạc sỹ, đại học chiếm 90%, do đó đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Sở đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện những chủ trương lớn của Đảng về Tài nguyên và Môi trường, gần đây nhất là tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19 Ban chấp hành Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 Ban chấp hành Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sở cũng đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tham mưu cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh các ý kiến quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Cán bộ, kỹ sư lấy mẫu, phân tích và quan trắc ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải ở hiện trường
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, đưa công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường từng bước đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch, phục vụ công tác đền bù GPMB, bố trí tái định cư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Sở đã tham mưu, trình UBND chỉ đạo lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ và triển khai thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đến nay, Ninh Bình đã hoàn thành việc lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh và là tỉnh đầu tiên được Chính phủ phê duyệt. Công tác quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố Ninh Bình nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung trong những năm qua.
Trong 10 năm qua, tỉnh đã ra quyết định giao đất, cho thuê đất cho 1.568 tổ chức thuê đất với tổng diện tích 12.314 ha, nguồn thu từ đất đai trong những năm qua đạt cao. Công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính được thực hiện thường xuyên. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Là một tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp khác, bên cạnh lợi ích về kinh tế-xã hội do các ngành Kinh tế đem lại tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020, trình HĐND tỉnh ban hành Đề án về Kiểm soát ô nhiễm và Bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2015. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường được tăng dần qua các năm; đã từng bước giải quyết các điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu và đẩy mạnh các phong trào, các mô hình bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, 10 năm qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định các khu vực cấm, tạm cấm khai thác khoáng sản; quy định thực hành tiết kiệm trong sử dụng đất, đá vôi và phê duyệt Quy hoạch khoanh vùng loại khoáng sản chủ yếu tỉnh giai đoạn 2010-2020, góp phần sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, xác lập các vùng, khu vực để phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh.
Thường xuyên phối hợp với các ngành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép, khai thác cát sỏi lòng sông: sông Bôi, sông Đáy, khai thác đá trong khu du lịch.
Công tác quản lý tài nguyên nước được tăng cường và có nhiều chuyển biến. Chức năng, nhiệm vụ quản lý về biển, đảo được bổ sung từ năm 2008 đến nay cũng đã được Sở quan tâm chỉ đạo, hàng năm tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo, Ngày Đại dương Thế giới 8-6; tuyên truyền về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cho bà con ngư dân tại các xã ven biển.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công nhân viên Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Đó là: Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của ngành từ tỉnh xuống đến cơ sở theo Nghị định mới của Chính phủ; Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh là môi trường tốt để cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện, cống hiến. Phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.
Chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện cơ chế, chính sách về Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp với tỉnh theo hướng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế chính sách về đất đai.
Xây dựng đồng bộ các cơ sở dữ liệu về Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, chính xác, được cập nhật thường xuyên, liên tục, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với đất đai, tài nguyên khoáng sản theo hướng kinh tế hóa ngành, tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin", "cho" và chuyển sang đấu thầu khai thác khoáng sản nhằm khẳng định vị thế của Sở, ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án, trong đó tập trung vào nội dung xác định đầy đủ nhu cầu sử dụng đất, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường, hoàn nguyên đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường; khai thác sử dụng nguồn nước và xả nước thải vào nguồn nước. Nâng cao chất lượng việc lấy mẫu, phân tích và quan trắc ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chất thải nguy hại.
Tăng cường sự phối hợp với các ngành, địa phương, thường xuyên trao đổi, công khai thông tin và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo quy định. Hoàn thiện đồng bộ và thực hiện tốt các phương án Quy hoạch chuyên ngành như nâng cao việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) gắn với Quy hoạch nông thôn mới, hoàn chỉnh Quy hoạch khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng theo hướng điều tra, đánh giá, xác định chất lượng, trữ lượng khoáng sản chi tiết (bỏ) phục vụ đấu giá, đấu thầu khoáng sản; Quy hoạch, đánh giá sức chịu tải của môi trường trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về Tài nguyên và Môi trường. Củng cố nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, ngăn chặn các vi phạm, đề xuất xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Thực hiện thường trực, tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành ở cả 3 cấp.
Chu Thanh Hà
(Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)