Điều này thể hiện tính hiệu quả của nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó có những giải pháp về tài chính mà Chính phủ và tỉnh đang thực hiện. Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ, thời gian qua ngành Tài chính - Ngân hàng Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp tích cực kiềm chế lạm phát và thúc đẩy kinh tế Ninh Bình phát triển. Sở Tài chính đã tham mưu cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh thực hiện điều hành ngân sách theo hướng tiết kiệm chi, như tiết kiệm điện, xăng, dầu, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, các cơ quan đơn vị thụ hưởng ngân sách tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường kiểm soát chi ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu thuế; rà soát tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất công, nông nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển, tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, sớm tạo ra những sản phẩm quan trọng, thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống…
Trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai tốt các biện pháp kiềm chế lạm phát theo sự chỉ đạo của tỉnh và ngân hàng cấp trên. Đồng chí Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Ninh Bình cho biết, để thực thi tốt nhóm giải pháp chống lạm phát của Chính phủ đưa ra, Chi nhánh đã yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh cơ cấu tín dụng cho phù hợp tính chất thời hạn nguồn vốn và hướng tín dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó ưu tiên cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh làm ra sản phẩm tạo nhiều việc làm cho xã hội, tập trung nguồn vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, các dự án trọng điểm về sản xuất xi măng, sắt thép, các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao. Đẩy mạnh huy động vốn bằng các biện pháp phù hợp, tập trung khối lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư, trong các tổ chức kinh tế vào ngân hàng để làm nguồn vốn cho vay, đồng thời rà soát lại cơ cấu cho vay, quy trình cho vay bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đủ điều kiện mở rộng quy mô vốn, mạng lưới hoạt động để khai thác hiệu quả các nguồn lực phục vụ kinh doanh, cũng như góp phần phục vụ các thành phần kinh tế một cách tốt nhất. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đã tiếp tục tạo điều kiện cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, cấp tín dụng cho các dự án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ các đoàn thể chính trị xã hội mở rộng cho vay và giải ngân kịp thời đến các đối tượng chính sách xã hội, nhất là học sinh, sinh viên, người nghèo, hộ sản xuất vùng khó khăn. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn phối hợp các cơ quan thông tin báo chí và các hiệp hội ngành nghề trong tỉnh để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về cơ chế, chính sách tiền tệ tín dụng, ngân hàng cũng như tiếp nhận những thông tin phản hồi để tránh đầu cơ trục lợi, nhất là trong hoạt động tín dụng.
Gần đây trong cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, định hướng trong việc xác định lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến thị trường, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo dung hòa lợi ích giữa người gửi và người vay tiền. Đồng thời Chi nhánh còn khuyến nghị các ngân hàng tăng cường quản lý tín dụng để giảm thấp chi phí không cần thiết, tạo cơ sở cho việc giảm chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân mà ở đó người gửi và người vay có lợi, giảm bớt mức độ tác động do trượt giá. Kiểm tra, rà soát các khoản cho vay, thực hiện tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, chấp hành nghiêm cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng Việt Nam đồng, các đơn vị không được áp dụng mức lãi suất kinh doanh vượt quá 150% so với mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước công bố từng thời kỳ và kiểm soát tình hình tăng trưởng dư nợ "nóng"... Qua công tác quản lý, NHNN chi nhánh Ninh Bình đã phát hiện một số sai phạm, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Điển hình, trong thời gian qua một số quỹ TDND, NHTM đã áp dụng vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, đã bị xử lý nghiêm túc, kịp thời, Với những giải pháp đó, đến tháng 8-2008 nguồn vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng thương mại và QTDND trên địa bàn tỉnh đạt 4.170 tỷ đồng, tăng 33,6% so với đầu năm và tăng 45% so với cùng kỳ năm 2007, đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đi đầu trong công tác huy động vốn là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công thương...
Các ngân hàng, các quỹ TDND trên địa bàn Ninh Bình đang triển khai hiệu quả chính sách thắt chặt tiền tệ, ưu tiên vốn đầu tư cho sản xuất hàng hóa có tác động tốt đến khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên phát triển. Bằng những nỗ lực của mình, ngành Tài chính - Ngân hàng đã góp phần quan trọng trong công tác kiềm chế lạm phát, cùng với các ngành, các cấp và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngọc Tân