Thủy sản tăng trưởng cao nhất
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp & PTNT, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.589,7 tỷ đồng, tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: nông nghiệp 3.955 tỷ đồng, tăng 0,52%; lâm nghiệp 59,5 tỷ đồng, tăng 2,8%; chăn nuôi 953 tỷ đồng, tăng 0,05%; thủy sản 575 tỷ đồng, tăng 12,48%.
Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và đồng đều ở cả lĩnh vực nuôi trồng, khai thác cũng như sản xuất giống. Nguyên nhân được cho là do các yếu tố thời tiết thuận lợi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất.
Nhiều mô hình sản xuất thủy sản theo hướng tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ tiếp tục được nhân rộng, các con nuôi có giá trị kinh tế cao từng bước được đưa vào khai thác và thử nghiệm sản xuất, nhân rộng; 4 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP bước đi vào khai thác, cho hiệu quả khá tích cực.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 9.990 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt gần 22 nghìn tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi trồng trên 18 nghìn tấn, tăng 8,4% (riêng tôm đạt 165 tấn, tăng 13 tấn so với cùng kỳ năm trước); khai thác 3.900 tấn, tăng 16,8%.
Cùng với thủy sản thì trồng trọt cũng là lĩnh vực khá ổn định. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 61,3 nghìn ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt đạt trên 45,5 nghìn ha, riêng diện tích lúa đạt 41,12 nghìn ha, năng suất ước 66,1 tạ/ha. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt 6 tháng đầu năm đạt 2.809 tỷ đồng, tăng 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, chăn nuôi gặp khó khăn lớn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là nuôi lợn. Nguyên nhân là do những năm trước chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư tăng đàn mạnh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ.
Sở Nông nghiệp & PTNT đã thực hiện các giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, đến nay giá lợn hơi có tăng trở lại nhưng vẫn thấp. Theo kết quả điều tra chăn nuôi thời điểm ngày 1/4/2017, mặc dù còn gặp khó khăn, tuy nhiên chăn nuôi của tỉnh vẫn ổn định, tương đương so với thời điểm 1/4/2016.
Cụ thể: tổng đàn trâu bò tăng 0,9%, đàn lợn tăng 5,7%, đàn gia cầm tăng 5,3% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng, bao gồm cả gia cầm đạt 30.625 tấn, tăng 4,9%. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt 953,5 tỷ đồng, tăng 0,05%.
Nhiều thách thức trước mắt
Đánh giá về kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 tại hội nghị sơ kết ngành 6 tháng đầu năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Vũ Nam Tiến cho rằng: 6 tháng đầu năm, nông nghiệp cả nước tăng trưởng 2,65% trên nền tăng trưởng âm của năm ngoái. Riêng với Ninh Bình, năm 2016 nông nghiệp vẫn tăng trưởng 2,7%, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2,2% trên nền tăng trưởng dương như vậy là một thách thức lớn và cần rất nhiều nỗ lực.
Hiện nay mới bắt đầu vào mùa mưa bão, chỉ cần một cơn bão mạnh cũng có thể đánh tụt mức tăng trưởng của ngành. Khó khăn thứ hai đó là vấn đề thị trường, mặc dù sức sản xuất của chúng ta khá tốt nhưng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân phát triển chậm, hoạt động của các HTX chưa thực sự đổi mới.
Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm ở một số địa phương còn chậm, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao so với tổng đàn, quản lý giết mổ gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh giá thịt lợn và một số sản phẩm chăn nuôi khác giảm mạnh, đàn vật nuôi không được chăm sóc tốt thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, trong những tháng còn lại của năm 2017, ngành Nông nghiệp & PTNT sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực của ngành tính đến nhu cầu thị trường; cơ cấu sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản theo lợi thế địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chiếm trên 60% tỷ trọng của toàn ngành, trồng trọt sẽ phải tập trung vào việc chỉ đạo sản xuất vụ mùa 2017 đạt kế hoạch; hướng dẫn gieo cấy đúng kỹ thuật, chăm sóc, đảm bảo tốt khâu điều tiết nước. Tăng cường sử dụng giống tốt, năng suất chất lượng cao để nâng cao giá trị.
Bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại chính trên các cây trồng. Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông 2017; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt từ các diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, con nuôi có giá trị cao hơn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, rà soát đánh giá thực tế sản xuất chăn nuôi lợn, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô đàn, nhất là đàn lợn nái, đàn gia cầm; điều chỉnh lại cơ cấu, chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ.
Triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, từng bước khôi phục đàn, duy trì sản xuất. Kiểm soát và phòng trừ tốt dịch bệnh; tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, các loại chất phụ gia, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học…
Đối với ngành thủy sản, cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi, vùng nuôi hiệu quả và bền vững cả về kinh tế lẫn sinh thái. Tăng cường việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nông trồng cho nông dân; thực hiện thu và phân tích mẫu nước làm công tác cảnh báo môi trường cho vùng nuôi trước khi thả giống. Làm tốt công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn thủy sản.
Chú trọng sản xuất giống cá các loại cung ứng cho người nuôi. Thực hiện công tác kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông, trên biển. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực vào đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Phát triển năng lực khai thác hải sản xa bờ, hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đóng mới tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP của các chủ tàu cá đang hoạt động hiệu quả trên toàn tỉnh.
Hà Phương