Những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Yên Khánh cũng đã tạo luồng gió mới, góp phần tô đẹp thêm bức tranh giáo dục của huyện sau 25 năm tái lập, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đột phá trong xây dựng cơ sở vật chất
Những ngày đầu tái lập, toàn huyện có 20 trường mầm non, 20 trường tiểu học và 20 trường THCS, trong đó chỉ có 3 trường là Tiểu học Khánh Phú, Khánh Cường và THCS Khánh Trung là có nhà cao tầng, trang thiết bị dạy học nghèo nàn, thiếu thốn.
Xác định xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, tạo điều kiện tốt nhất cho con em địa phương học tập, ngành Giáo dục Yên Khánh đã tham mưu với Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục theo hướng đổi mới gắn với chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng quan tâm việc hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.
Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huyện Yên Khánh cũng đã đẩy mạnh, phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các lực lượng xã hội và nhân dân trong huyện chung tay phát triển giáo dục.
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, việc đầu tư cơ sở vật chất xây dựng mới, sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học cho các trường học được cấp ủy đảng chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm, tính đến năm 2017 đạt trên 81 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đạt trên 38 tỷ đồng.
Về cơ sở vật chất 62/62 trường đều có phòng học cao tầng, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 88,6%, cao hơn tỷ lệ toàn tỉnh là 2,1%; 100% số trường trong huyện đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 4 trường Mầm non, 17 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trường THCS thị trấn Yên Ninh được xây dựng thành trường chất lượng cao với tổng kinh phí đầu tư trên 58 tỉ đồng (trong đó 50% kinh phí từ nguồn xã hội hóa giáo dục), đây là sẽ là "cái nôi" để đào tạo, nuôi dưỡng chất lượng mũi nhọn của huyện.
Những kết quả trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện dạy học của giáo dục Yên Khánh hiện nay đã khẳng định sự nỗ lực, tính sáng tạo, các giải pháp mang tính đột phá về xây dựng cơ sở vật chất của huyện phục vụ cho giáo dục đào tạo.
Đổi mới căn bản giáo dục
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục huyện Yên Khánh đã tập trung các giải pháp, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai chủ trương đổi mới giáo dục đào tạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Trên cơ sở tham mưu của ngành giáo dục, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo phát triển giáo dục phù hợp, sát với từng giai đoạn. Trong đó, phải kể đến hiệu quả của các nghị quyết: Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 6/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Khánh khóa XXII về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015, Nghị quyết số 05/NQ-HU ngày 17/4/2017 của Ban Chấp hành đảng bộ huyện Yên Khánh khóa XXIII về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2017-2020.
Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thực hiện việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên giữa các nhà trường đảm bảo thuận lợi cho hoạt động dạy và học, phát huy tính đổi mới sáng tạo của đội ngũ. Qua đó đã khắc phục được tình trạng thừa, thiếu, bất cập về số lượng, cơ cấu chủng loại giáo viên ở các cấp học; khắc phục tính ì, bệnh kinh nghiệm trong công tác quản lý ở các nhà trường.
Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luôn được chú trọng. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ đào tạo. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT vào dạy học, tiếp cận chương trình giáo dục.
Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý cán bộ, chương trình dạy học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng lên, 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 94,8% giáo viên đạt trên chuẩn.
Hằng năm, số lượng giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp cũng tăng lên. Chất lượng đoàn tuyển giáo viên dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh luôn được đánh giá ở tốp đầu của tỉnh. Riêng năm học 2018-2019, đoàn tuyển giáo viên giỏi THCS cấp tỉnh đã có 14/14 giáo viên dự thi được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh, trong đó có 4 giải nhất, 6 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích, đây chính là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học ở địa phương.
Một điểm mạnh phải kể đến của giáo dục Yên Khánh là công tác khuyến học, khuyến tài thường xuyên được quan tâm. Phong trào này đã thu hút được các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, con em quê hương đang công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài, góp phần làm phong trào phát triển rộng khắp từ huyện đến cơ sở. Nhiều quỹ khuyến học của các gia đình, dòng họ được thành lập và phát huy hiệu quả kịp thời động viên, khen thưởng con em có thành tích học tập xuất sắc.
Tổng quỹ khuyến học các cấp hội trong huyện đến nay đã đạt gần 16 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2012, Quỹ Khuyến học, khuyến tài Vũ Duy Thanh được huyện thành lập, hằng năm đã tổ chức trao thưởng cho học sinh, sinh viên với số tiền thưởng từ 160-180 triệu đồng/năm. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh ở các cấp.
Từ những giải pháp hiệu quả, cách làm mới thiết thực, sự nỗ lực của toàn ngành, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn ngành có 100% số trường học đạt danh hiệu "Trường học thân thiện học sinh tích cực".
Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển vận động cho trẻ ở các trường mầm non từng bước được nâng lên, 100% các cháu đến trường được đảm bảo an toàn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm dần đến nay còn 4,7%. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, học sinh tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%. Hằng năm có từ 80-85% học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào các trường THPT.
Chất lượng học sinh tham gia các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia tăng cao qua các năm. Năm học 2017-2018, toàn ngành đã có 156 học sinh đoạt giải, tăng 63 giải so với năm trước. Trong đó cấp Quốc gia có 30 giải. Điểm nhấn trong giáo dục Yên Khánh phải kể đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Yên Khánh A liên tục nhiều năm liền là đơn vị có điểm tuyển sinh cao nhất tỉnh...
Có thể khẳng định, sau 25 năm tái lập huyện, với cách làm mới, sáng tạo, ngành Giáo dục huyện Yên Khánh đã không ngừng tiến bộ, luôn giữ vị trí tốp đầu trong khối các Phòng Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Đây sẽ là điểm tựa vững chắc để ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Khánh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của huyện Yên Khánh nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung.
Nguyễn Thơm- Trường Giang