Nhìn chung, các Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã có những hoạt động thiết thực, xây dựng được quy chế hoạt động, quy định chế độ hội họp, tỷ lệ thành viên tham gia họp khá đầy đủ. Kinh phí hoạt động đã được thủ trưởng đơn vị tạo điều kiện và hỗ trợ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, chỉ đạo các cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các mục tiêu của đơn vị theo Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành đã cùng với các bộ phận chuyên môn của ngành tham mưu cho cấp có thẩm quyền về mục tiêu, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo hàng năm. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc bố trí, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ cán bộ, giáo viên trong ngành. Thực hiện chính sách về việc làm, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các ngành có liên quan, tham gia ý kiến góp ý vào dự thảo, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành một số chính sách ưu tiên đối với cán bộ nữ đi học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Lực lượng lao động nữ trong ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ có tỷ lệ ngày càng tăng.
Đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân trong các nhà trường là nguồn cán bộ giúp việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhà trường và trong cộng đồng dân cư. 100% nữ cán bộ, giáo viên đều có chứng chỉ tin học, đó là điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý và tìm hiểu kiến thức trên mạng. Có 285/448 (chiếm 63,6%) nữ cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ (vượt chỉ tiêu đề ra là đến năm 2015 đạt 40% tỷ lệ nữ trong tổng số người được đào tạo trên đại học). Về kết quả tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, sau đại hội Đảng cấp cơ sở, đại hội Công đoàn cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH công đoàn và cấp ủy cơ sở đã tăng lên (khối thuộc Sở: Công đoàn có 135/210, đạt 64,2%; cấp ủy có 64/143, đạt 44,7% là nữ). Tại thời điểm tháng 10-2015, khối trực thuộc và cơ quan Sở hiện có 58/160 cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, đạt tỷ lệ 36,25%. Số cấp trưởng là nữ đạt tỷ lệ 8/35 (chiếm 22,85%).
Phong trào xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành phối hợp với Ban nữ công Công đoàn giáo dục tỉnh xét và đề nghị các cá nhân, tập thể đạt danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà", có tác dụng động viên, khuyến khích, biểu dương kịp thời các tập thể nữ công và nữ giáo viên làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, giữ yên mái ấm gia đình. Về việc chăm sóc sức khỏe, nhìn chung, nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên và nữ học sinh khối thuộc Sở đều được hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là người mang thai, nuôi con nhỏ. Có 15/34 đơn vị thuộc Sở có cán bộ y tế học đường, một số đơn vị còn lại không có biên chế nên phân công cán bộ kiêm nhiệm công tác này… Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới được ngành chú trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, trong đó có giáo dục về bình đẳng giới, về các công tác trong chương trình hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ…
Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2015-2020, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định cụ thể các mục tiêu, kế hoạch để đạt được kết quả cao nhất trong thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác bổ sung quy hoạch cán bộ và tạo điều kiện cho nữ giáo viên rèn luyện, phấn đấu. Khi xem xét, bổ nhiệm cán bộ phải chú ý đến nhân tố nữ. Chú trọng cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nữ cán bộ, giáo viên. Phấn đấu xóa số hộ nữ giáo viên nghèo, cận nghèo. Tiếp tục thực hiện chương trình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình trong ngành. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai có hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên; thực hiện tốt công tác y tế học đường. Tạo điều kiện để nữ cán bộ, giáo viên được hưởng thụ các dịch vụ văn hóa, tinh thần lành mạnh…
Bùi Diệu