PV: Thưa đồng chí, những năm qua, nhiệm vụ phát triển quy mô mạng lưới giáo dục các bậc học, nâng cao dân trí theo nội dung của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh được ngành Giáo dục và Đào đạo triển khai như thế nào?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao dân trí, ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, Giáo dục-Đào tạo Ninh Bình vẫn không ngừng phát triển về quy mô. Đặc biệt, trong thời kỳ chống Mỹ, Ninh Bình đã tiếp nhận và bảo đảm việc nuôi dưỡng và giảng dạy hơn 5.000 học sinh Vĩnh Linh - Quảng Bình và góp phần chi viện giáo dục miền Nam, hỗ trợ giáo dục miền núi.
Tháng 12-1995, Ninh Bình là tỉnh thứ 11 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ; tháng 12-2002 là tỉnh thứ 15 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; tháng 5-2003 là tỉnh thứ 16 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tháng 12-2013 là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện nay, tỉnh đang phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 trong năm 2014.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến tháng 10 năm 2014, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa cao tầng đạt 84,3%; có 322/329 thư viện đạt chuẩn, đạt 97,9% tổng số thư viện trường học.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Đến tháng 10 năm 2014, toàn tỉnh đã có 361 trường đạt chuẩn Quốc gia (gồm 105 trường mầm non; 150 trường tiểu học; 99 trường THCS và 7 trường THPT) chiếm tỷ lệ 76,9% tổng số các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh. Đến tháng 10 năm 2014, đã có 72 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có cả 3 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia.
PV: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết", ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã đạt được kết quả như thế nào trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài trong 45 năm qua?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy, trò của Ninh Bình có quyền tự hào bởi từ những mái trường thân yêu, lớp lớp thế hệ học sinh đã trưởng thành. Hàng chục nghìn thầy, trò đã lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc và không ít người đã anh dũng hy sinh. Trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, Giáo dục Ninh Bình đã góp phần đào tạo cho quê hương, đất nước hàng vạn cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ.
Nhiều người hiện đang giữ chức vụ quan trọng ở các cơ quan Đảng và Nhà nước, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều người đã trở thành nhà khoa học, doanh nhân giỏi đang học tập, công tác và làm việc tại mọi miền Tổ quốc và nhiều học sinh khác đã trở thành những công dân tốt, lao động giỏi đang âm thầm góp sức xây dựng quê hương.
Trong giờ lên lớp của cô và trò Trường THCS Trương Hán Siêu (TP.NB). Ảnh: Minh Quang
Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, học sinh Ninh Bình đã giành được 1.090 giải học sinh giỏi Quốc gia, 6 giải Quốc tế; 622 giải cấp khu vực, 39.256 giải cấp tỉnh và nhiều huy chương, phần thưởng tại các kỳ thi văn nghệ, thể thao toàn quốc. Kết quả thi đại học, cao đẳng 8 năm gần đây, Ninh Bình luôn đứng vào tốp các tỉnh, thành phố hàng đầu cả nước.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên của Ninh Bình qua 45 năm đã có sự trưởng thành rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu, vừa không chuẩn hóa, thiếu đồng bộ. Đến nay, về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Ninh Bình đã đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Đến tháng 10 năm 2014, toàn ngành có hơn 300 thạc sỹ; tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên là 99,8% với mầm non; 99,9% với tiểu học; 99,4% với THCS và 100% với THPT (trong đó 81,6% giáo viên mầm non; 96,8% giáo viên tiểu học; 75,5% giáo viên THCS và 13,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn). Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn của toàn ngành đạt 80,1%.
PV: Thưa đồng chí, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục-Đào tạo hưởng ứng như thế nào?
Đ/c Vũ Văn Kiểm: Thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 29 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Giáo dục-Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 11 ngày 5-3-2007 triển khai tổ chức thực hiện cuộc vận động tới cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành bằng tất cả tình cảm sâu nặng với Bác theo quan điểm sâu sắc, toàn diện, thiết thực và hiệu quả. Chỉ đạo tất cả các nhà trường, các đơn vị, các cơ sở giáo dục căn cứ vào kế hoạch của ngành để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với cuộc vận động "Hai không" cho đơn vị mình.
Để cuộc vận động có sức lan tỏa rộng khắp, công tác tuyên truyền về cuộc vận động luôn được chú trọng. Ngành đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng tủ sách Nguyễn Tất Thành, phòng truyền thống Hồ Chí Minh. Các trường dành một phần kinh phí trong sinh hoạt chuyên môn để xây dựng tủ sách nói về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát động cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên sưu tầm sách, tranh ảnh, những câu chuyện viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương người tốt, việc tốt; Tổ chức cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tiến hành biên tập tài liệu: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để giảng dạy trong nhà trường từ đầu năm học 2008-2009.
Từ năm 2007 đến nay, cuộc vận động đã được tất cả các đơn vị trong toàn ngành triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả. Kết quả quan trọng nhất mà cuộc vận động đem lại đó là toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh toàn ngành đã nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, góp phần tích cực đẩy lùi những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Kết quả từ thực hiện Cuộc vận động, với những thành tích xuất sắc đạt được trong phong trào dạy tốt, học tốt, Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 2 Huân chương Độc lập hạng Ba; 3 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; 51 tập thể và 123 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 38 nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)