• Bấm để xem videoKích thích sự sáng tạoViệc sử dụng di sản trong giảng dạy và học tập tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm của học sinh. Khi được tìm hiểu, tiếp cận và trải nghiệm thực tế, các em sẽ được nâng cao hiểu biết, và có thái độ, hành vi đúng đắn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của quê hương. Đồng thời kích thích hứng thú, giúp học sinh phát triển kỹ năng học tập, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Tại tỉnh ta, việc sử dụng di sản trong dạy và học ở các trường đã được triển khai trong thời gian qua dưới nhiều hình thức như tham quan các bảo tàng lịch sử, các danh lam thắng cảnh, các nghĩa trang liệt sĩ, đưa làn điệu dân ca, nghệ thuật hát xẩm vào trong dạy học… Điển hình như các trường THCS Ninh Hải (Hoa Lư), THCS Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình), THCS Yên Phong (Yên Mô), THPT Gia Viễn B, THCS Yên Khánh A đã tổ chức nhiều tiết dạy sử dụng di sản với các hình thức phong phú.
Học sinh trường THCS Ninh Hải (Hoa Lư) tham gia buổi học chuyên đề môn Giáo dục công dân
Để học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử vùng đất cố đô Hoa Lư, các em học sinh lớp 7 trường THCS Lê Hồng Phong đã được tham quan Bảo tàng tỉnh, nơi có nhiều tư liệu, hình ảnh lịch sử phong phú về quê hương Ninh Bình. Buổi học diễn ra hết sức chân thực và sinh động, các em không những được tiếp thu bài giảng qua những sơ đồ, hình ảnh, mà còn được trực tiếp được hướng dẫn, tự tay làm bia đá.
Trước đó, trường Lê Hồng Phong cũng tổ chức buổi ngoại khóa môn Tiếng anh cho hơn 50 em học sinh. Với chủ đề gắn với di sản quê hương, các em được trải nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về lịch sử và vẻ đẹp của đền Thái Vi, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Các em học sinh rất thích thú khi được làm thuyết trình viên, được trình bày kiến thức của mình về di sản, đồng thời có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm về những di sản của quê hương. Với sự hứng thú còn đọng lại trên khuôn mặt, em Nguyễn Thảo Quế Chi, học sinh lớp 9B trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ "Đây thực sự là buổi dã ngoại vui vẻ và bổ ích với chúng em. Hôm nay em và các bạn đã được gặp gỡ, giới thiệu về danh lam thắng cảnh của Ninh Bình với nhiều người nước ngoài, và còn được tham quan ngắm cảnh ở Tam Cốc và đền Thái Vi. Đây sẽ là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong quãng thời gian em học tập ở mái trường này. Em rất mong thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa lý thú như thế này hơn nữa".
Cô Trịnh Thị Vân Khánh, hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, đưa di sản vào trong trường học là một trong những nội dung đổi mới giảng dạy trong giai đoạn hiện nay, nhà trường đã tổ chức cho các em học sinh đi trải nghiệm thực tế môn tiếng Anh tại đền Thái Vi và khu du lịch Tam Cốc - Bich Động. Qua buổi đi thực tế chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất phấn khởi và hứng thú với môn học. Các em được giao tiếp, thuyết minh, giới thiệu di sản văn hóa của quê hương đất nước mình với người nước ngoài. Từ những kết quả đó, trong thời gian tới, trường sẽ tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế ở các môn học khác như Ngữ Văn, Địa lý, Lịch Sử…
Tại các huyện trong tỉnh còn có nhiều trường khác cũng tổ chức cho học sinh học tập ở các di tích, di sản với những chủ đề khác nhau như gắn liền với các môn học Giáo dục công dân, Lịch Sử, tiếng Anh, Ngữ văn.
Với hình thức tổ chức những cuộc thi tình huống, trò chơi, câu đố, môn Giáo dục công dân đã được các em học sinh trường THCS Ninh Hải tiếp nhận với niềm say mê, hào hứng. Buổi học môn Địa lý về địa chất của thầy trò học sinh trường Gia Viễn B diễn ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã mang lại nguồn kiến thức thực tế và bổ ích cho các em học sinh.
Thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy
Các di sản dù là dưới hình thức vật thật hay qua phim, ảnh, tranh vẽ,… được sử dụng trong dạy học, giáo dục đều góp phần nâng cao tính trực quan, giúp cho học sinh mở rộng khả năng tiếp cận với di sản. Bên cạnh đó, di sản cũng là phương tiện quan trọng giúp học sinh rèn một số kỹ năng học tập như kỹ năng quan sát, thu thập, xử lý thông tin qua đó tự chiếm lĩnh kiến thức cần thiết thu được trong quá trình tiếp cận với di sản.
Trong khi đó để có được những tiết học theo mô hình mới VNEN, hay các buổi dã ngoại, chuyên đề, thực địa, các thầy cô giáo cũng trải qua quá trình nghiên cứu tìm tòi tư liệu liên quan đến tiết dạy, soạn giáo án, tiến hành hoạt động dạy học và cuối cùng là tổ chức giáo dục truyền thống thông qua hoạt động ngoại khóa tại di tích đóng trên địa bàn địa phương. Từ đó, có những phương pháp dạy học mới, phù hợp với điều kiện mới.
Cô Nguyễn Thị Hà Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hoa Lư cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Gíao dục - Đào tạo về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngay từ đầu năm học mới, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoa Lư đã chỉ đạo các cấp học trong huyện tổ chức các chuyên đề. Với cấp học mầm non, thực hiện các chuyên đề phát triển vận động, cấp tiểu học tổ chức chuyên đề VNEN, dạy tiếng việt 1- công nghệ giáo dục, cấp THCS tổ chức nhiều buổi chuyên đề về chuyên môn. Phòng cũng chỉ đạo 100% các trường trong huyện thực hiện mô hình dạy học mới. Tới đây sẽ nhân rộng mô hình ra các trường trong toàn huyện để từng bước giúp các em đến gần với đời sống, với di sản.
Hiện nay học sinh đang thiếu sự trải nghiệm, thiếu kiến thức thực tế. Những tiết học sử dụng di sản để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa. Có thể nói thông điệp của UNESCO "để di sản trong tim và trong tay thế hệ trẻ" giờ đây đang được ngành Giáo dục của tỉnh ta nói riêng và ngành Giáo dục trên cả nước nói chung bước đầu triển khai tốt. Thông qua các tiết học, các em học sinh hiểu biết hơn và có thể thuyết trình về các yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý của các di sản trong tỉnh. Đây là những tuyên truyền viên tương lai hứa hẹn sẽ phổ biến những giá trị của di sản, và từ đó các em sẽ và có những hành động bảo vệ di sản của quê hương, đất nước mình.
Bài, ảnh: Nguyễn Thủy - Anh Tú