Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh và "Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020", Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng hệ thống các mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ được phân công; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết; đồng thời bổ sung, chỉnh sửa các mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành GD&ĐT đã cùng với các bộ phận chuyên môn của ngành tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển GD&ĐT, xây dựng kế hoạch phát triển GD&ĐT hàng năm, trong đó đặc biệt chú trọng việc bố trí, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện chế độ, chính sách đối với nữ cán bộ, giáo viên trong ngành.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí giảng viên giúp cho công tác tập huấn về bình đẳng giới; quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác nữ, về các chương trình mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ cho đội ngũ cán bộ cốt cán các đơn vị thuộc Sở và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố.
Trong công tác cán bộ, Ngành đặc biệt quan tâm công tác cán bộ nữ từ khâu quy hoạch tới đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, coi đây là nội dung không thể tách rời trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Do vậy, trong nhiều năm qua, Sở GD&ĐT luôn đảm bảo cơ cấu có lãnh đạo Sở là nữ. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương: ở cơ quan Sở GD&ĐT, tỉ lệ nữ lãnh đạo phòng là 13/29 (đạt 44,8%, trong đó cấp trưởng chiếm 30%, tăng 10% so với nhiệm kỳ trước). ở các phòng GD&ĐT, tỉ lệ nữ giữ cương vị lãnh đạo là 14/29 (chiếm 48,3%, trong đó cấp trưởng là 50%, tăng 25% so với nhiệm kỳ trước). ở các cơ sở giáo dục: Đối với các trường 100% cán bộ lãnh đạo là nữ.
Đối với các trường phổ thông, tỉ lệ nữ lãnh đạo ở bậc Tiểu học chiếm 73,6%, trong đó cấp trưởng chiếm 69,3%; tỉ lệ nữ lãnh đạo ở bậc THCS chiếm 48,4%, trong đó cấp trưởng chiếm 39,4%; tỉ lệ nữ lãnh đạo ở bậc THPT chiếm 32,6%, trong đó cấp trưởng là 29,1%. Riêng cấp THPT, tỉ lệ nữ là cấp trưởng đã tăng mạnh từ 12,5% nhiệm kỳ trước lên 29,1% vào cuối năm 2018.
Cùng với việc quan tâm tăng tỉ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành giáo dục và Đào tạo Ninh Bình còn khuyến khích, vận động và tạo điều kiện để nữ cán bộ, nhân viên của ngành học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện toàn ngành giáo dục có 3 tiến sĩ, trong đó 2 người là nữ. Tỉ lệ nữ có trình độ thạc sĩ trong ngành là 321/408, chiếm trên 78,6% những người có trình độ thạc sĩ (chỉ tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tỉ lệ nữ thạc sĩ là 30%; tiến sĩ là 10% trong tổng số những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ); 88,6% nữ có trình độ đại học.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ nữ trong ngành có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, tinh thần trách nhiệm cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo của tỉnh.
Thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, ngành quan tâm công tác giáo dục về giới, bình đẳng giới trên cả hai nhóm đối tượng, đó là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường sử dụng và khai thác hiệu quả các thư viện trường học.
Hiện nay, các nhà trường đều có thư viện đạt chuẩn, nhiều thư viện đạt chuẩn cao, ở mức xuất sắc. Đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân trong các nhà trường là nguồn cán bộ giúp cho việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật trong nhà trường và trong cộng đồng dân cư. 100% nữ cán bộ, giáo viên đều có chứng chỉ tin học, đó là điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý và tìm hiểu kiến thức trên mạng.
Cùng với đó, Sở chú trọng đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, ngăn ngừa bạo lực gia đình trên cơ sở bình đẳng giới. Trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành không để xảy ra tình trạng bạo hành trong gia đình. Phong trào xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh.
Hàng năm, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành phối hợp với Ban nữ công Công đoàn giáo dục tỉnh xét và đề nghị các cá nhân, tập thể đạt danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà", có tác dụng động viên, khuyến khích, biểu dương kịp thời các tập thể nữ công và nữ giáo viên làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, giữ gìn mái ấm gia đình.
Đối với đối tượng học sinh, các nội dung giáo dục về giới, bình đẳng giới được Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện lồng ghép thông qua các môn học: Sinh học, Ngữ văn, Giáo dục công dân. Thực hiện thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp như hoạt động theo chủ điểm (8/3; 20/10); các buổi sinh hoạt và nói chuyện chuyên đề; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; hoạt động tư vấn hướng nghiệp...
Bằng những việc làm trên, học sinh đã được trang bị các kiến thức cơ bản về giới và bình đẳng giới; lớn lên các em được trang bị thêm các kĩ năng để tự bảo vệ mình trước các hành vi phân biệt, đối xử, xâm hại. Trong môi trường học đường của tỉnh, nhiều năm qua không xảy ra vụ việc phân biệt, kì thị hay bạo hành với nữ sinh.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh đã góp phần cùng với các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển. Trên nhiều lĩnh vực, phụ nữ đã, đang khẳng định vai trò, vị trí của mình. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng để thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới.
Minh Ngọc