Trường Mầm non Bích Đào là một trường có đông học sinh trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Năm học 2020-2021, trường có 13 nhóm lớp nhưng hiện tại chỉ có 8 phòng học, thiếu 5 phòng học so với nhu cầu, từ đó xảy ra tình trạng quá tải.
Bà Đinh Thị Dậu, phố Đông Xuân, phường Bích Đào (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, nhà bà ngay sát trường học, nhưng do cơ sở vật chất nhà trường không đủ tiếp nhận tất cả số trẻ mầm non trên địa bàn nên gia đình bà gặp khó trong việc gửi cháu. Nếu gửi tư thục thì vừa xa, vừa chi phí cao. Bà Dậu mong muốn, cần có giải pháp để Trường Mầm non Bích Đào có thể tiếp nhận tất cả các cháu trong độ tuổi trên địa bàn phường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bích Đào cho biết: Từ năm học trước, trước khó khăn về cơ sở vật chất và để đảm bảo yêu cầu của phụ huynh trên địa bàn, nhà trường đã vận dụng bằng cách sử dụng phòng chức năng, phòng ngủ của các cháu... để làm phòng học.
Tuy nhiên, năm học mới này, do quy mô dân số trên địa bàn tăng, cơ sở vật chất của các lớp học xuống cấp, việc bố trí phòng học để tiếp nhận hết các cháu trong độ tuổi của phường đến trường đang là bài toán khó. Hiện trường đang tiếp tục tận dụng nốt các phòng ngủ còn lại làm phòng học cho số trẻ tăng của năm học mới này.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất các lớp học đều xuống cấp, tường bong tróc, hành lang mưa dột, các lớp học chật hẹp, ẩm thấp... khó có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Nhà trường rất mong sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu trường mới, sửa chữa các phòng học, khu hành lang đã xuống cấp, tạo điều kiện cho nhà trường hoàn thành nhiệm vụ.
Theo nhà giáo Lương Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình, hàng năm, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền và các nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất trường, lớp để có kế hoạch tu sửa, xây mới, tạo điều kiện tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn.
Tính riêng từ năm 2019 đến nay, thành phố Ninh Bình đã đầu tư gần 200 tỷ đồng, xây mới gần 100 phòng học, bếp ăn bán trú, các phòng chức năng, công trình phụ trợ nhà vệ sinh, khu vui chơi.… cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đảm bảo cho việc dạy và học của các nhà trường.
Đối với một số trường học trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thành phố Ninh Bình cũng đã khẩn trương lên kế hoạch đầu tư, sửa chữa, mở rộng khuôn viên trong năm học 2020-2021, như các Trường Mầm non Bích Đào, Thúy Sơn, Vân Giang, Tiểu học Ninh Khánh... Đồng thời, đề xuất xây dựng thêm một trường THCS tại phường Nam Thành thành trường THCS chất lượng cao của thành phố Ninh Bình.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, các phường, xã trên địa bàn thành phố, các nhà trường cũng cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chung tay, góp sức đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Đồng chí Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học mới 2020-2021, Sở đã chỉ đạo các trường học trong tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát và kịp thời có giải pháp khắc phục hệ thống phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp, đảm bảo an toàn phục vụ cho hoạt động dạy và học trước thời điểm khai giảng năm học mới.
Tính đến ngày 15/8, ngành Giáo dục đã rà soát được số phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn và số phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp nhẹ.
Theo đó, toàn tỉnh có 10 phòng học và 34 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho việc dạy học cũng như hoạt động khác của các trường học. Toàn bộ số phòng học và hạng mục công trình xây dựng này đã được niêm phong không sử dụng để tiến hành xây mới hoặc sửa chữa lớn. Tại một số đơn vị việc sửa chữa, khắc phục tạm thời đã được tiến hành để tiếp tục sử dụng tạm trong khi chờ xây công trình mới.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất phù hợp, không bố trí học tập và làm việc tại các phòng không an toàn. Cùng với đó, toàn tỉnh có 209 phòng học và 115 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nhẹ. Hiện tại hệ thống phòng học và công trình xây dựng này đang được các địa phương khẩn trương sửa chữa, khắc phục để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ khai giảng năm học mới.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh