Báo cáo điển hình của ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố Ninh Bình đã tạo ấn tượng mạnh, thực sự gây xúc động cho các đại biểu về dự hội nghị. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong khối hành chính sự nghiệp của thành phố được Thành ủy Ninh Bình khen thưởng về thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Ninh, Trưởng Phòng giáo dục - đào tạo thành phố, ngay từ khi bước vào Cuộc vận động, toàn ngành từ phòng đến các đơn vị trường học đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được quán triệt, có kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả. Ban chỉ đạo Cuộc vận động của ngành đã phân công và giao trách nhiệm cho từng thành viên bám địa bàn, bám trường học, bám chương trình, nội dung được phân công để triển khai, theo đó mà Cuộc vận động đã được tiến hành đồng bộ, đều khắp đến các trường học. Ban chỉ đạo đã ra những văn bản hướng cho Cuộc vận động đi vào các nội dung thiết thực, có tác động sâu sắc đến nhận thức, hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh trong toàn ngành. Đó là việc tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản và thực hành tiết kiệm ở tất cả các cơ sở giáo dục, chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Từ tinh thần trên, chi bộ các trường học đã cho cán bộ, đảng viên liên hệ kiểm điểm, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của giáo viên, công nhân viên chức nhà trường để trên cơ sở đó thấy rõ hơn ưu, khuyết điểm của bản thân để phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện. Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã ban hành văn bản quy định chuẩn mực đạo đức nhà giáo trong ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố với 4 nội dung cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tác phong, lối sống và giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo.
Những cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thu hút, lôi cuốn hàng nghìn cán bộ, đảng viên, giáo viên và học sinh của toàn ngành tham gia. Biết bao câu chuyện về cuộc đời, về đạo đức của Bác Hồ được người về dự thi truyền đạt lại bằng sự nhập tâm sâu sắc và sự rung động từ chính trái tim mình. Trong hội thi cấp thành phố, đoàn tuyển của ngành Giáo dục - Đào tạo có trên 20 thí sinh tham gia thì có 10 người đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì và 2 giải ba. Cô giáo Phạm Thị Bình (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng) được chọn đi dự thi cấp tỉnh đạt giải nhì và được vinh dự đi dự thi cấp khu vực tổ chức tại Nam Định.
Ngành đã phối hợp với Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố tổ chức hội thi cho thanh, thiếu niên, học sinh. Các trường đã tuyển chọn những học sinh đạt giải cao từ hội thi của trường về dự. Lối kể chuyện hồn hậu, giản dị và trong sáng của các em đã đem về hội thi những câu chuyện thật cảm động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Em Dương Thị Khánh Linh, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Ninh Sơn; em Phạm Thị Trang Nhung, học sinh lớp 8, Trường THCS Ninh Khánh đều đạt giải nhất; em Tạ Thị Huyền Trang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng; em Phạm Thị Quỳnh, học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Trung và em Vũ Phương Thảo, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng đạt giải nhì và sau đó các em Vũ Phương Thảo, Tạ Thị Huyền Trang đều đã đạt giải nhì tại hội thi của tỉnh.
Những nội dung đặt ra trong chương trình hành động của toàn ngành về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang phát huy tác dụng tích cực. Những thành tựu của toàn ngành đạt được trong hai năm tiến hành Cuộc vận động là khá vững chắc, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình. Công tác quản lý trường học, chất lượng dạy và học không ngừng được đổi mới, nâng cao. Đã không còn việc chạy đua theo thành tích, những biểu hiện tiêu cực trong thi cử đã được ngăn chặn và giảm thiểu một cách tích cực. Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, giáo viên đã không quản khó khăn, bám trường, bám lớp đổi mới có hiệu quả phương pháp soạn thảo, lên lớp với phương châm "lấy học sinh làm trung tâm" không ngừng được nhân rộng và phát huy. Các trường đã thực hiện nghiêm ngặt việc công khai dân chủ về tài chính, tiết kiệm cho ngân sách từ 10 đến 15%. Phong trào tự học phát triển mạnh, hiện nay toàn ngành đã có trên 500 giáo viên đang theo học các lớp tập trung, tại chức, trong đó có 400 giáo viên theo học các lớp ngoại ngữ. Đã có nhiều việc làm nghĩa tình được các thầy, cô giáo, học sinh hưởng ứng tích cực. Hàng chục học sinh ở một số trường trước gia cảnh khó khăn và có nguy cơ phải thôi học, thầy, cô giáo đã tìm về tận gia đình, động viên tìm cách giúp các em tiếp tục theo học. Nhiều trường còn quyên góp hàng trăm bộ sách giáo khoa cũ tặng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
"Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố Ninh Bình đang tạo nên những nội lực mới, tố chất mới để vươn lên trong "sự nghiệp trồng người" mà suốt đời Bác luôn trăn trở, chăm lo.
Lê Liêu