Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người vẫn động viên và giao trọng trách cho đội ngũ các thầy, cô giáo "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt". Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".
Thấm nhuần lời dạy của Bác, 40 năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Quy mô mạng lưới các cấp học không ngừng phát triển, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc. Tháng 12-1995, Ninh Bình là tỉnh thứ 11 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập tiểu học - chống mù chữ; tháng 12-2002, là tỉnh thứ 15 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và tháng 5-2003 là tỉnh thứ 16 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Hiện nay, Ninh Bình đang triển khai thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học.
Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều thành tích mới. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, học sinh Ninh Bình đã giành được 851 giải học sinh giỏi Quốc gia, 4 giải quốc tế, 372 giải cấp khu vực, 29.946 giải cấp tỉnh và nhiều huy chương, phần thưởng tại các kỳ thi văn nghệ, thể thao toàn quốc. Kết quả thi đại học và cao đẳng 3 năm gần đây, Ninh Bình luôn đứng vào tốp các tỉnh, thành phố hàng đầu cả nước.
Cùng với không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, ngành đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Qua 40 năm, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã có sự trưởng thành rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu, vừa không chuẩn hóa, thiếu đồng bộ, đến nay, về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đến tháng 7-2009, toàn ngành có 85 thạc sĩ, tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên là 94,4% với mầm non; 99,4% với tiểu học, 98,3% với THCS và 99,4% với THPT. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn của toàn ngành đạt 40,1%. Hơn 2.000 cán bộ, giáo viên các cấp học đang theo học các lớp đại học, cao học. Hàng nghìn giáo viên sử dụng giáo án điện tử khi lên lớp. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Thực hiện phương châm xã hội hóa công tác giáo dục, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia đạt kết quả tốt. Từ chỗ tranh tre nứa lá và phòng học cấp 4, đến năm học 2002-2003, 100% xã phường, thị trấn trong tỉnh đều đã có trường học cao tầng, kiên cố, nhiều xã, phường đã có 2-3 trường học cao tầng. Toàn tỉnh không có lớp học ca 3. Đến tháng 7-2009, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa cao tầng đạt 75,96%, có 305 thư viện trường học đạt tiêu chuẩn thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc.
Đến nay, 100% các đơn vị giáo dục trong ngành được kết nối mạng Internet. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia các cấp học đã đạt được những thành tựu quan trọng, làm thay đổi diện mạo của các nhà trường và góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục - đào tạo nói riêng, các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đến tháng 7-2009, toàn tỉnh có 244 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 51%, phân bố ở tất cả các cấp học, trải khắp các địa phương, vùng, miền trong tỉnh. Riêng cấp tiểu học, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia toàn tỉnh là 91,5%, xếp thứ tư trong toàn quốc.
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp "trồng người", giáo dục - đào tạo Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 3 Huân chương Độc lập hạng Ba; 2 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; 5 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Toàn ngành cũng được Nhà nước tặng thưởng 10 Huân chương Lao động hạng Nhất, 26 Huân chương Lao động hạng Nhì, 73 Huân chương Lao động hạng Ba, 147 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, phong tặng 23 nhà giáo ưu tú, 5 chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Với tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác kính yêu, trong gần 3 năm qua, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Kết quả quan trọng nhất mà Cuộc vận động đem lại đó là toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành đã nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua triển khai thực hiên Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, góp phần đẩy lùi những tồn tại, hạn chế, nhân rộng những tập thể, cá nhân tích cực làm theo lời Bác. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, giáo viên trong ngành tiếp tục phấn đấu để thực hiện lời dạy của Bác "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người".
Minh Châu