Để nâng cao chất lượng dạy học, vào đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng đội ngũ của các cơ sở giáo dục, góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Theo đó, từ cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp thực tiễn giáo dục của địa phương, phát huy tốt nội lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục và đào tạo. Kết quả, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt 56,95% dân số độ tuổi, ở độ tuổi mẫu giáo đạt 98,56% dân số độ tuổi, trẻ 5 tuổi đạt 99,9%. Công tác chỉ đạo tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học phổ thông nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế; huy động 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tuyển sinh vào lớp 6 đạt 99,9% kế hoạch; 79,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, trong đó THPT công lập chiếm 65,5%, THPT tư thục chiếm 2,51%, GDTX chiếm 11,59%. Tỷ lệ bình quân tuyển sinh vào các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 35,4%. Công tác quản lý tiếp tục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng quyền tự chủ, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Sở đã chỉ đạo dạy học đúng phân phối chương trình, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tổ chức cuộc thi dạy các chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học đạt kết quả tốt. Tổ chức thành công 4 hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, đó là hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non, THPT, GDTX cấp THPT và tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh. Tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tích cực chỉ đạo tham gia các cuộc thi cấp toàn quốc như: thi chọn học sinh giỏi lớp 9, thi chọn học sinh giỏi lớp 12, giải toán trên máy tính cầm tay, Olympic Tiếng Anh trên Internet, giải toán qua Internet, thi học sinh giỏi trung cấp chuyên nghiệp, Olympic toán tuổi thơ lớp 8…
Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, Sở tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục mũi nhọn từ việc dạy học phân hóa học sinh đến phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trường, tổ chức các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia cấp toàn quốc. Năm học vừa qua, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, tỉnh có 50/62 thí sinh dự thi đạt giải, chiếm tỷ lệ 80,65% (11 giải nhì, 19 giải ba, 20 giải khuyến khích), 5 đội tuyển môn Vật lý, Sinh học, Tin học, Ngữ Văn, Tiếng Pháp có 100% số học sinh dự thi đoạt giải, 1 học sinh được chọn vào đội dự tuyển môn Vật lý tham dự Olympic châu á Thái Bình Dương. Đạt 5 giải cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, 162 giải học sinh giỏi quốc gia khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố có điểm trung bình của tất cả các môn thi đạt cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, 76,64% học sinh có tổng điểm 3 môn thi dự xét tuyển sinh đại học đạt từ 15 điểm trở lên. Đặc biệt, sáng chế khoa học kỹ thuật "Máy hàn cắt kim loại, đánh bóng mica, inox sử dụng nguyên liệu nước" của 2 học sinh Ngô Đức Thắng và Phạm Thành Trung, Trường THPT Nguyễn Huệ đạt Huy chương Vàng tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ châu á tổ chức vào tháng 5-2016 tại Malaysia, được Hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao là một giải pháp thông minh, có khả năng áp dụng cao vào thực tế.
Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo củng cố vững chắc, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi (đạt chuẩn từ tháng 12-2013), phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (đạt chuẩn từ tháng 12-2014) và phổ cập giáo dục THCS (đạt chuẩn từ tháng 12-2002). Tiếp tục đầu tư củng cố, nâng cao các điều kiện và tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục - chống mù chữ.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, công nhận lại các đơn vị cấp xã, cấp huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 100% đơn vị cấp xã được công nhận tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS; 97,9% đơn vị cấp xã được công nhận tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Chất lượng dạy và học tại các trung tâm GDTX được nâng cao. Các trung tâm đã thực hiện tốt công tác liên kết dạy văn hóa - nghề với các trường chuyên nghiệp và trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố. Trong năm học đã có hàng trăm lớp học chuyên đề được tổ chức tại các trung tâm học tập cộng đồng, thu hút hàng nghìn lượt người đến học tập, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các đơn vị, trường học tích cực làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đầu tư về cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên diện tích trường học, xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp phòng học, phòng chức năng, mua sắm thêm thiết bị và phương tiện dụng cụ học tập đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong năm học, toàn ngành được đầu tư xây mới 84 phòng học, 30 phòng hiệu bộ, 38 phòng chức năng, 35 nhà vệ sinh và 2.225m2 sân, tường rào với tổng kinh phí 105,8 tỷ đồng.
Đến nay, cấp THCS đã bố trí được 557 phòng học bộ môn (tăng 7 phòng so với năm học trước), cấp THPT bố trí được 115 phòng học bộ môn (tăng 4 phòng so với năm học trước). Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 85,4%, tăng 0,6% so với năm học 2014-2015; trong đó khối huyện, thành phố đạt 83,6%, khối trực thuộc Sở đạt 98,7%. Toàn ngành đã tích cực tham mưu cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước và huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục để đầu tư bổ sung thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục. Tổng kinh phí toàn ngành đầu tư mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi gần 30 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 tỷ đồng so với năm học trước.
Ngành cũng đã tích cực chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời đôn đốc việc duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các trường học đã đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm. Hoàn thành chỉ tiêu về trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010-2015). Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp tập trung nguồn vốn xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình. Trong năm học đã kiểm tra công nhận thêm 19 trường học đạt chuẩn quốc gia các mức độ, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 383 trường, chiếm tỷ lệ 81,7%. Đến nay, đã có 93/145 xã, phường, thị trấn và 2 thành phố có trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia; huyện Hoa Lư có 97% trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó 100% trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mầm non, tỷ lệ học sinh học lực yếu ở tất cả các cấp học đều giảm so với những năm học trước; tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi tăng đáng kể.
Kết quả các hoạt động trên đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Chất lượng giáo dục của Ninh Bình từng bước được khẳng định trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Ngành đã hoàn thành tốt 18 lĩnh vực công tác, trong đó có 12 lĩnh vực công tác đạt xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của Giáo dục Ninh Bình trong tốp các tỉnh có chất lượng giáo dục cao của cả nước.
Nhiệm vụ năm học 2016-2017 được ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tập trung vào việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020); tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng giáo dục ngang bằng với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Mỹ Hạnh