Nhận thức rõ tầm quan trọng và hiệu quả của CNTT, từ năm 2002, Sở Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực hoạt động. Đến nay, trình độ tin học của cán bộ, giáo viên đã được nâng lên rõ rệt; hệ thống cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị máy móc, phần mềm phục vụ quản lý, giảng dạy và học tập từng bước được đầu tư, phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành đã có 3.020 máy tính để bàn, 650 máy tính xách tay, 350 máy chiếu. Nhiều cán bộ, giáo viên đã tự trang bị máy vi tính, phục vụ trực tiếp công việc chuyên môn. Tại văn phòng Sở, từ trưởng phòng trở lên đã được trang bị máy tính xách tay. 100% các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, các phòng GD-ĐT và 50% số trường THCS, 30% các trường tiểu học đã được nối mạng Internet.
Để giúp cán bộ, giáo viên tiếp cận CNTT, ngành đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Tin học, đạt kết quả tốt. 100% các trường trực thuộc Sở có cán bộ Tin học từ cao đẳng trở lên; trên 80% cán bộ, giáo viên trong toàn ngành đã có chứng chỉ Tin học A, một số đã được đào tạo trình độ B Tin học. Việc áp dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy cũng được chú trọng. Đầu năm 2008, ngành đã thực hiện gửi và nhận văn bản 2 chiều qua đường Internet giữa Sở Giáo dục- Đào tạo với các phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc Sở. Tại hội nghị sơ kết của ngành, các đại biểu dự hội nghị đã truy cập, khai thác tài liệu họp bằng laptop qua đường Internet không dây. Các hội thi giáo viên giỏi từ mầm non đến THPT đều thực hiện biên soạn và giảng bằng giáo án điện tử. Nhiều đơn vị đã ứng dụng các phần mềm: Xếp thời khóa biểu, quản lý tài sản, kế toán, soạn bài giảng điện tử, quản lý ngân hàng đề thi trắc nghiệm… đạt hiệu quả tốt. Đa số cán bộ, giáo viên đã biết khai thác Internet để hỗ trợ công việc chuyên môn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy của ngành Giáo dục - Đào tạo còn gặp nhiều khó khăn. Đường truyền Internet (ADSL) hiện tại tốc độ chậm, không ổn định, dẫn tới khó khăn cho việc ứng dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng như trao đổi dữ liệu phục vụ công việc. Một số trường ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và 80% trường mầm non chưa được phủ Internet. Trình độ CNTT của cán bộ, giáo viên trong toàn ngành không đồng đều; nhiều cơ sở giáo dục chưa có cán bộ chuyên trách CNTT nên việc khai thác, ứng dụng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bị hạn chế. Phần mềm các đơn vị ứng dụng chủ yếu mang tính tự phát, chưa có sự định hướng đồng bộ trong toàn ngành.
Bước vào năm học 2008-2009, với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT của Bộ Giáo dục- Đào tạo, ngành Giáo dục Ninh Bình xác định đây là cơ hội và cũng là thử thách để các đơn vị giáo dục, từng cán bộ, giáo viên vươn lên nắm bắt CNTT đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Ngành sẽ thực hiện thí điểm hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn qua mạng; triển khai rộng việc quản lý kết quả học tập, kết quả thi của học sinh bằng CNTT. Đẩy mạnh việc gửi và nhận văn bản, tài liệu qua mạng Internet thông qua các website của Sở và Bộ Giáo dục- Đào tạo bằng nhiều hình thức như phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử, hệ thống chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, ngành còn phối hợp với Cục CNTT của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Dự án SREM triển khai rộng, thống nhất phần mềm quản lý tại các đơn vị trường học trên cơ sở sử dụng phần mềm miễn phí do Bộ Giáo dục- Đào tạo cung cấp. Triển khai đề án văn phòng điện tử, trung tâm thông tin nội bộ, tiến tới xây dựng hệ thống văn phòng điện tử trên mạng LAN của Sở và các phòng giáo dục huyện, thị, tạo thuận lợi cho công tác điều hành, tác nghiệp của ngành. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động của nhà trường, nhất là ứng dụng trong giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục. Thí điểm lắp đặt hệ thống IP camera trong một số trường học nhằm tăng cường hiệu quả công tác giảng dạy, quản lý, giám sát thi cử của nhà trường. Triển khai phần mềm ngân hàng đề thi, phần mềm xếp thời khóa biểu, các phần mềm soạn giáo án điện tử. Xây dựng diễn đàn đổi mới phương pháp dạy học cho tất cả các cấp học. Tiếp tục trang bị máy vi tính có kết nối mạng nội bộ, kết nối mạng Internet cùng các thiết bị hỗ trợ cho một số trường…
Để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục, vừa qua Tổng Công ty viễn thông Quân đội (Viettel) đã cam kết lắp đặt miễn phí đường truyền Internet tới tất cả các trường từ mầm non đến các đơn vị giáo dục trên toàn tỉnh. Đây được coi là điều kiện quan trọng tạo nên bước nhảy quan trọng về CNTT trong ngành, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học ở các trường, các đơn vị giáo dục, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình hiện nay.
Đức Huy