Ngay từ khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Công thương Ninh Bình từng bước sắp xếp lại hệ thống tổ chức, hoạt động phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước.
Các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được sắp xếp lại, từng bước thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tăng doanh thu, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách Nhà nước, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước có rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh, ngành Công thương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực hiện có, tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý, phương thức kinh doanh tiên tiến, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Minh chứng cụ thể là năm 2013, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ở mức tăng trưởng hợp lý, chỉ số phát triển công nghiệp năm 2013 tăng 7,29% so với năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.561,5 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2012.
Riêng quý I-2014, chỉ số IIP tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 12,1%. Bình quân tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 đạt 21,6% (cao hơn tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra cho cả giai đoạn 2011-2015 là 16%). Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá là: sản phẩm may mặc, giày dép vải, xi măng và clanhke...
Có được kết quả trên là do những năm qua, tỉnh đã quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến thương mại…khuyến khích phát triển sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 70 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng mức đầu tư đăng ký là 41.650 tỷ đồng, trong đó 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Năm 2013, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2012. Toàn tỉnh có 17 cụm công nghiệp, cụm làng nghề với tổng diện tích quy hoạch là 447,78 ha; trong đó có 9 cụm công nghiệp với diện tích là 227,7ha được triển khai và đã thu hút 185 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 3.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 7.100 lao động.
Hoạt động xuất khẩu hàng năm có tốc độ tăng trưởng cao, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, tăng 23,6% so với năm trước, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD). Quý I-2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 160 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng khá như: Quần áo các loại, nước dứa cô đặc, túi nhựa...
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Năm 2013, đã triển khai thực hiện 59 đề án khuyến công, xúc tiến thương mại với tổng số tiền hỗ trợ 5 tỷ đồng để hỗ trợ các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tham gia hội chợ trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển làng nghề và các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
Hoạt động thương mại trên địa bàn có bước chuyển biến tích cực, hệ thống siêu thị (Big C, Ocean Mart…), hệ thống chợ từng bước phát huy tác dụng, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 19.101,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2012; quý I-2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.975,3 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm truớc.
Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Công thương có nhiều đổi mới. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch; tham mưu ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội…
Với những thành tích đã đạt được nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của ngành Công thương Ninh Bình đã được Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, khen thưởng.
Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới ngành Công thương Ninh Bình chú trọng hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và các năm tiếp theo; tham mưu và thực hiện các giải pháp phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh có lợi thế (chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ…) gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển du lịch của tỉnh; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển thương mại nông thôn, xây dựng chợ theo mô hình chợ an toàn thực phẩm, triển khai sâu rộng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Từng bước sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.
Phạm Thị Hồng
TUV, Giám đốc Sở Công thương