Đối tượng được vay vốn theo Nghị định này là các tổ chức, cá nhân vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được xem xét, quyết định cho vay có bảo đảm bằng tài sản hoặc không có bảo đảm bằng tài sản.
Thực hiện Nghị định 41/CP, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã triển khai cho các đối tượng vay đầu tư phát triển cây, con giống; sản xuất thức ăn chăn nuôI, phân bón, thuốc trừ sâu; cho vay vùng nuôi tôm Kim Sơn; cho vay phát triển gia súc ở Nho Quan; cho vay đầu tư nuôi lợn siêu nạc ở Yên Khánh…, đồng thời cho các doanh nghiệp vay làm hàng xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp như: Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao; Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Đông Thành; các doanh nghiệp sản xuất hàng cói xuất khẩu ở huyện Kim Sơn. Trong lĩnh vực công nghiệp thì tập trung cho vay đầu tư máy làm đất, bơm nước, máy phát điện nhỏ, máy xay xát, máy làm miến, bánh đa; cho vay vận tải nhỏ thay thế xe công nông... Vốn của Ngân hàng đã góp phần thỏa mãn nhu cầu phát triển sản xuất và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn. Tính đến 31-3-2011, tổng dư nợ trên toàn tỉnh đạt 5.621 tỷ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn (57%). Dư nợ cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ hơn 240 tỷ đồng với gần 5.000 khách hàng được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 4.000 khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm.
Theo báo cáo hiện nay vốn đầu tư của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 92% trong tổng đầu tư của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn). Đạt được kết quả đó là do Ngân hàng đã có nhiều lợi thế. Có 37 chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh (trung bình cứ 4 xã có 1 phòng giao dịch) giúp Ngân hàng dễ dàng tiếp cận với các đối tượng có nhu cầu vay vốn, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao dịch giữa khách hàng và Ngân hàng. Công tác thẩm định có mức vay phù hợp với chu kỳ của cây, con, tích cực trong công tác huy động vốn, không để thiếu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng để Ngân hàng thu hút khách hàng. Tính đến 31-3-2011, Ngân hàng đã huy động được trên 4.000 tỷ đồng và đã có trên 37.000 hộ và 300 doanh nghiệp lớn, nhỏ có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh.
Để phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thực hiện lồng ghép với các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Theo đó, Ngân hàng sẽ tập trung vào những giải pháp: Đẩy mạnh công tác huy động vốn, tiếp tục mở rộng các đối tượng được vay vốn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mang nguồn vốn đến cho người nông dân nhanh nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; cắt giảm và tiến tới không cho vay các đối tượng kinh doanh bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu hàng hóa xa xỉ. Về vấn đề cho vay xuất khẩu, ưu tiên vào những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn, thời gian xử lý vay vốn nhanh, kịp thời. Trong thời gian tới, nhu cầu về vốn để phát triển nông nghiệp nông thôn rất lớn, lãnh đạo Ngân hàng mong rằng các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức tín dụng làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu về Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, từ đó tạo sự thống nhất giữa khách hàng và Ngân hàng, mang lại hiệu quả giữa đơn vị cho vay và người sử dụng vốn vay.
Hương Giang