Một trong những hoạt động nổi bật chính là sự hợp tác giữa Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng CSXH Ninh Bình trong việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Bằng sự nỗ lực của Hội phụ nữ các cấp và NHCSXH tỉnh, thời gian qua hoạt động ủy thác của Hội đã được triển khai trên 100% các huyện, thành, thị và doanh số cho vay ủy thác do Hội phụ nữ các cấp quản lý ngày một tăng. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,9% so với tổng dư nợ (chủ yếu do nhận bàn giao nợ cũ). Hội LHPN tỉnh đã trở thành bạn hàng lớn của NHCSXH với dư nợ chiếm 40,71% tổng dư nợ của Ngân hàng. 5 năm qua, đã có 35.495 hộ phụ nữ vay vốn từ NHCSXH với tổng dư nợ đạt trên 183 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay hộ nghèo 118,32 tỷ đồng, vốn vay học sinh, sinh viên (HSSV) 40,75 tỷ đồng, vốn nước sạch - vệ sinh môi trường 9,76 tỷ đồng, vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 14,96 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đó, đã giúp 6.122 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo được vay vốn từ nguồn vốn vay cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải các chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của con em trong thời gian theo học tại trường và ổn định cuộc sống gia đình.
Để chương trình phối hợp giữa Hội LHPN và NHCSXH tỉnh thực sự đi vào cuộc sống và đưa nguồn vốn trực tiếp tới tay phụ nữ nghèo, Hội LHPN tỉnh phối hợp với NHCSXH chỉ đạo Hội phụ nữ, NHCSXH các cấp phối hợp chặt chẽ để tổ chức tuyên truyền về chương trình ký kết, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và các quy định của Ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách tới tổ phụ nữ, thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và phân loại hộ nghèo. Hàng năm, Hội phụ nữ các cấp đều tổ chức tập huấn về quản lý tín dụng, ghi chép sổ sách cho cán bộ Hội và tổ trưởng các tổ TK&VV, cung cấp các tài liệu, biểu mẫu hướng dẫn để nâng cao nghiệp vụ quản lý và cập nhật các chủ trương, chính sách mới.
Qua 5 năm triển khai thực hiện cho vay ủy thác, Hội phụ nữ các cấp đã tham mưu với chính quyền địa phương xác định đối tượng nghèo có đủ điều kiện vay vốn, đối tượng được vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Việc bình xét đối tượng vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ. Các tổ TK&VV đã được các cấp Hội duy trì sinh hoạt thường xuyên với nội dung phù hợp và thiết thực. Qua đánh giá của NHCSXH và Hội LHPN tỉnh thì việc ủy thác cho vay đã từng bước xã hội hóa hoạt động của ngân hàng, tạo được kênh dẫn vốn gần dân, cũng như giúp các hộ nghèo có thêm vốn để sản xuất, chăn nuôi, buôn bán… từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn từ NHCSXH cùng với một số nguồn vốn khác phần nào đáp ứng nhu cầu vốn trong dân, hạn chế được nạn cho vay nặng lãi tại các vùng nông thôn…
Về lợi ích của việc được vay vốn NHCSXH, chị Hoàng Thị Chịch, hội viên Hội phụ nữ xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) tâm sự: "Nhờ 9 triệu đồng vay của NHCSXH từ năm 2003, gia đình tôi đã mua 3 con bò, nay đàn bò có 12 con, trị giá gần 80 triệu đồng. Xóa được nghèo, kinh tế ổn định tôi thấy đồng vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh thực sự hiệu quả. Trong thời gian tới, tôi và chị em trong tổ TK&VV sẽ tiếp tục phát huy tốt nguồn vốn vay tiếp tục xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Quốc Khang