Pha ấm trà mời khách, ông Nguyễn Văn Khải, chủ nhân của ngôi nhà cổ có niên đại trên 200 tuổi ở thôn Tây (Trường Yên) tự hào cho biết: Trong gia tộc, tính đến thế hệ tôi đã được 4 đời ở ngôi nhà cổ này. Nghe các cụ xưa kể lại, ngôi nhà được cụ cố tôi mua từ Gia Viễn và phải dùng thuyền đinh xuôi theo dòng Sào Khê để chở về. Sau đó phải nhờ làng dịch chuyển mất hàng tháng mới đến được vị trí như hiện tại. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã định tháo dỡ mái hiên nhà để làm mái bằng lấy nước mưa. Nhưng được những người bạn góp ý và phân tích về những giá trị đặc biệt của ngôi nhà, tôi đã từ bỏ ý định và không bao giờ nghĩ đến chuyện dỡ bỏ, mà luôn tìm cách bảo tồn và khôi phục... Nhà của ông Khải được kết cấu theo kiểu 3 gian 2 rĩ hay còn gọi là 2 chái; các hàng chân cột kê trên bệ đá được dựng theo kiểu quá giang vượt tường. Bức tường phía sau và hai đầu hồi được xây bằng gạch (rộng 33cm), phía trước bố trí hệ thống cửa "bức bàn" (loại cửa rộng suốt cả gian, có nhiều cánh).
Hệ thống cột, vì kèo, rui mè, cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ cao khoảng 40cm. Các buồng thông nhau nhờ một cái cửa nhỏ. Gian chính của ngôi nhà được gia đình bố trí bàn thờ gia tiên và được trang trí thêm các bức hoành phi, câu đối... rất tôn nghiêm, trang trọng. Đặc biệt, vì kèo được chạm khắc theo hình thức "trụ non, con cung" (con cung là con rồng). Mái nhà có lớp trên là ngói vảy cá, lớp dưới là ngói chiếu hình chữ thọ, thể hiện sự bền vững lâu dài.
Ông Khải cho biết thêm: Nhiều năm nay, gia đình đã được đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm, trong đó có cả khách nước ngoài như Nhật, Pháp, Trung Quốc... và họ rất thích không gian ấm cúng, cổ kính của ngôi nhà. Vì vậy, tôi cũng thêm yêu quý nhà của mình hơn. Hiện nay, ngôi nhà này chỉ còn hai vợ chồng tôi ở, nhưng mỗi khi vào dịp giỗ chạp, lễ, Tết, các con cháu lại về đây để tụ họp, lễ bái đông đủ khiến tình cảm anh em, họ hàng thêm bền chặt.
Tôi luôn xem ngôi nhà là một báu vật mà cha ông đã để lại và nó không chỉ mang ý nghĩa là mái ấm chở che cho các thế hệ trong gia đình khôn lớn, trưởng thành, mà nó còn là nơi để giáo dục các con cháu hiểu được những tinh tế trong kiến trúc nhà ở, nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt của ông cha. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi lần trở về ngôi nhà là chúng sẽ được trở về với nguồn cội, hiểu được phần nào công lao, nỗ lực của người xưa...
Mỗi ngôi nhà cổ ở Trường Yên đều có nét độc đáo và cách bài trí riêng thể hiện sự tinh tế, phong phú trong cuộc sống của người xưa. Gia đình bà Dương Thị Quý ở thôn Nam đang sở hữu 2 ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, trong đó 1 ngôi nhà được gia đình dùng làm nhà thờ họ, một ngôi được dùng để ở. Ông Nguyễn Mạnh Đức, con trai bà Quý cho biết: Đến nay, niên đại của các ngôi nhà vẫn chưa biết chính xác, chỉ biết rằng nhiều thế hệ gia đình tôi đã ở và gìn giữ ngôi nhà để nó phần nào giữ được vẻ đẹp nguyên gốc.
Chúng tôi quan niệm rằng gìn giữ nếp nhà như gìn giữ gia phong. Giờ anh chị em chúng tôi đã có cuộc sống riêng, ổn định nhưng nhà thờ họ vẫn là nơi để chúng tôi trở về mỗi dịp lễ, Tết để cầu chúc sức khỏe, những điều may mắn sẽ đến các thành viên trong gia đình; giáo dục con cháu biết trân trọng và phát huy những gì cha ông đã xây đắp.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Theo thống kê sơ bộ hiện trên địa bàn xã có trên 100 ngôi nhà cổ, trong đó có hơn 10 nhà có niên đại hàng trăm năm, nằm xen kẽ ở các làng: Trường Sơn, Chi Phong, Vàng Ngọc, Trường Xuân, Tam Kỳ, Đông Thành, Trường Thịnh và một số thôn: Tây, Nam, Bắc, Trung, Đông, Hoa...
Với mong muốn giữ gìn và phát huy các giá trị đặc sắc của những ngôi nhà cổ, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, cuối năm 2014 xã đã phối hợp với doanh nghiệp Xuân Trường tiến hành khảo sát sơ bộ để đánh giá thực trạng giá trị các ngôi nhà cổ trên địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng Đề án bảo tồn nhà cổ, khai thác giá trị về văn hóa, kiến trúc để phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đến nay Đề án này vẫn chưa được triển khai xây dựng. Ông Nguyễn Đức Lợi cũng cho rằng: Trường Yên hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, khi có điểm nhấn là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và ở một vị trí thuận lợi nằm cạnh khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, nhà cổ sẽ là một trong những điểm nhấn thú vị trong hành trình thăm Cố đô của du khách. Những ngôi nhà được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành ngôi nhà cổ thì dường như nó không chỉ là nơi trú ngụ mà đã mang một sứ mệnh khác, đó là giữ lại những nét độc đáo của văn hóa làng quê trong quá khứ.
Qua ngôi nhà, con, cháu như gặp lại cha ông, hiểu thêm về cha ông, được chia sẻ về cách sống, khả năng và sự tích tụ thẩm mỹ của cha ông. Tuy nhiên, dưới sự bào mòn của thời gian, hiện nay nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, do vậy chúng tôi rất mong các cấp, các ngành của tỉnh, huyện quan tâm hơn nữa để có những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm khôi phục, phát huy kiến trúc nhà cổ. Trong đó vấn đề về cơ chế, chính sách bảo tồn được xem là yếu tố quan trọng để chính quyền địa phương cũng như người dân có tiêu chí chung được thực hiện.
Một điều đáng quý là cho dù chưa có một chính sách hỗ trợ nào từ phía Nhà nước nhưng những ngôi nhà cổ ở Trường Yên qua bao thăng trầm, thay đổi vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn cẩn thận từ những nét chạm khắc, đến những viên ngói đã ngả màu thời gian. Việc các gia đình gìn giữ ngôi nhà cổ cũng như truyền thống của gia đình trong suốt thời gian qua đã góp phần lưu dấu thời gian, làm giàu đẹp thêm cho vốn văn hóa của mảnh đất kinh thành Hoa Lư xưa.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc