Cuộc đời mỗi con người là phép cộng của những chuyến đi và sự trở về. Lúc trai tráng, chúng ta hối hả ra đi tìm những chân trời mới. Khi cuộc đời bóng ngả về chiều, bước chân mỏi mệt, nhiều người lại lặng lẽ quay về, mong tìm chút bình yên ở chính nơi họ đã ra đi. Nhưng dù kẻ ra đi hay người hồi cố hương thì những ngôi nhà bao giờ cũng là nơi khiến con người ta lưu luyến nhất. Bởi thế trong bước đường phóng phiếm của kẻ chót theo đòi văn bút, lòng người viết đôi khi chùng lại trước những ngôi nhà tường rêu, nhuốm màu thời gian mà câu chuyện về nó cũng như chủ nhân của nó nhiều khi cũng ly kỳ và đượm màu cổ tích.
Nét trầm trong những ngôi nhà cổ
Chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cổ tại xã Trường Yên (Hoa Lư) là một người họ Dương, tính tình khoan hậu. Ông thừa tự ngôi nhà, chăm lo chuyện hương hỏa. Tư liệu biên chép lại cho biết, ngôi nhà cổ này do cụ Dương Đức Vĩnh (tức Bá Kếnh) xây dựng. Cụ Bá Kếnh - một người yêu nước từng tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp. Cụ cũng chính là người phát tâm công đức tham gia tu sửa, tôn tạo lại đền Đinh... Nhà xưa còn đó nhưng người xưa đã hóa thiên thu. Lòng lãng khách không khỏi bùi ngùi! Nếp nhà cổ thờ hiền nhân họ Dương không chỉ thực hiện công năng vĩnh hằng là chở che cho sự tồn sinh của những hậu nhân Dương gia mà còn là nơi lưu giữ linh khí tinh anh của bậc hào kiệt. Cụ Dương Đức Vĩnh đã mất nhưng cái "hùng tâm tráng chí" của cụ còn mãi với người đời. Tên tuổi của Dương Đức Vĩnh (Bá Kếnh) cùng với Đặng Văn Hài (Tổng Phác), Giang Tử Bộ (Tổng Bộ) đã góp phần làm nên danh tiếng của mảnh đất Hoa Lư- Mảnh đất thiêng dung dưỡng những anh tài.
Nhưng ngôi nhà cổ không chỉ là những sản phẩm vật chất mà đôi khi nó còn vượt lên trên những giá trị vật chất thuần túy để trở thành những báu vật mang tính biểu tượng. Ngôi nhà đá cổ của gia đình họ Lương, xã Ninh Vân (Hoa Lư) là một ví dụ. Những người con của gia đình họ Lương chia sẻ, ngôi nhà này do cụ Lương Văn Xiển xây dựng lúc sinh thời. Cụ Xiển là một người thợ đá tài hoa của làng đá Ninh Vân, từng tham gia xây dựng Nhà thờ đá Phát Diệm. Sau khi công việc dựng Nhà thờ đá Phát Diệm hoàn thành, cụ Xiển cùng những người thợ bạn về xây ngôi nhà của mình. Điểm đặc biệt của ngôi nhà này là ở chỗ vật liệu chủ yếu là chất liệu đá, ngôi nhà được xây theo lối nhà truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ với nhiều họa tiết hoa văn rất đặc sắc. Người thợ đá tài hoa họ Lương đã dành hết tâm sức chăm chút tỉ mỉ cho công trình nghệ thuật của mình.
Các thế hệ họ Lương xã Ninh Vân (Hoa Lư) luôn gìn giữ ngôi nhà cổ.
Thăm tư thất của Lương gia, bắt gặp những họa tiết hoa văn trên những cột, vách người xem như có một cuộc phiêu du cùng tâm hồn của những nghệ sỹ làng đá, như có những cuộc trò chuyện cùng quá khứ. Sỏi đá vô tri mà khi được thổi hồn từ bàn tay, khối óc của những nghệ sỹ nó bỗng trở nên sống động. Nét hoa văn, chạm trổ trên những phiến cẩm thạch như là những thứ "mật ước" mà người đời xưa gửi gắm cùng hậu thế. Và chính vì những thứ "mật mã nghệ thuật" đó mà mỗi người sau khi đến tham quan ngôi nhà đều có những giải mã theo cách của riêng mình. Và chính trong những giây phút ấy có những cuộc thông linh giữa hiện tại và quá khứ, giữa tiền nhân và hậu thế, giữa biến thiên và trường cửu...
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn huyện Hoa Lư có khoảng trên 50 ngôi nhà cổ, tuy nhiên, số những ngôi nhà cổ còn giữ được nguyên trạng như nhà thờ Dương Đức Vĩnh không còn nhiều. Những ngôi nhà cổ, nơi tàng chứa những "mật mã văn hóa" vẫn đang chờ đợi sự thông hiểu của người đời sau. Và bước chân của những gã văn sỹ như tôi đến những ngôi nhà cổ chỉ là muôn trong một. Nẻo về quá khứ bao giờ cũng bí ẩn, rộng dài và hun hút. Trong cuộc dạo chơi về quá khứ trong tiết xuân này, không biết có kẻ tri âm nào nặng lòng hoài cựu như tôi.