Ngày nay, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân, nem chua Yên Mạc đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Đặc biệt, với việc mới đây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc", sản phẩm đặc sản này được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển, thương hiệu ngày càng nâng cao trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường.
Mỗi lần đi công tác ở Yên Mô, tôi đều không quên rẽ vào xã Yên Mạc để mua nem chua. Cũng là nem chua nhưng nem chua Yên Mạc có cách làm và mùi vị khác hẳn với các loại nem chua nổi tiếng ở các cùng khác như nem Lai Vung hay nem Thanh Hóa.
Nem chua Yên Mạc có màu hồng, cùng những sợi bì màu trắng tinh, có thêm những lát tỏi và ớt trái kích thích vị giác. Chỉ cần mở lớp lá chuối ra đã tỏa ra mùi men chua rất dễ chịu, quyện với lá ổi thơm lừng. Để có được gói nem chất lượng, theo người dân địa phương, kỹ thuật làm nem rất cầu kỳ và lắm công phu.
Ông Phạm Văn Quân, một hộ sản xuất chuyên phân phối sản phẩm nem chua Yên Mạc chia sẻ: Một mẻ nem ngon là loại nem có độ khô, tơi mà vẫn mềm dẻo. Thịt làm nem là thịt nạc mông, vừa mới mổ, còn tươi nóng. Sau khi lọc hết mỡ bạc nhạc bỏ đi, thái thành từng miếng độ nửa phân, dài 2 - 3 phân, dùng sống dao dần nhừ thịt cho mềm, thịt được gói vào vải sạch đem ép nén chảy bớt nước. Bì lợn khoanh mặt da vào trong, buộc lại rồi bỏ vào luộc vừa chín, sau đó dùng dao sắc thái mỏng.
Đối với việc làm thính, gạo tẻ đem rang vàng, giã nhỏ thành bột. Thịt nạc (đã thái), trộn lẫn bì lợn, thính, muối, mì chính nhào lẫn tạo nên mùi thơm đặc trưng. Việc nêm nếm các loại gia vị phù hợp rất quan trọng, nếu vừa đủ nem sẽ chua và ngon. Nem được gói bằng lá chuối, bọc ngoài lớp nem là lá ổi để khi ăn có vị thơm. Tùy vào từng mùa nem chín nhanh hay chậm, nếu mùa hè, nem gói sau một ngày là ăn được, mùa thu sau 2 ngày, mùa đông sau 3-4 ngày.
Hiện nay ở Yên Mạc có hơn 50 gia đình làm nem, trong đó có 16 gia đình sản xuất với sản lượng lớn và thường xuyên. Do sản xuất mặt hàng tươi sống nên khâu an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm được các hộ, cơ sở sản xuất quan tâm. Một số cơ sở sản xuất với quy mô lớn đã đăng ký thương hiệu và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ cũng có cam kết sản xuất an toàn.
Nhận thấy đây là một trong những nghề giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho người dân, các cấp, ngành và chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống.
Chủ tịch UBND xã Yên Mạc Phạm Văn Thọ cho biết: Cùng với việc vận động nhân dân phát triển nghề làm nem, xã còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các hộ làm nghề sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ thương hiệu cho nem chua Yên Mạc. Ngoài ra, xã có kế hoạch xây dựng Đề án quy hoạch, phát triển làng nghề nem chua Yên Mạc nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, qua đó duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Để xây dựng thương hiệu cho nem chua Yên Mạc, góp phần nâng cao uy tín, danh tiếng của sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, UBND huyện Yên Mô phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình thực hiện dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nem chua Yên Mạc dùng cho sản phẩm nem chua của xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình". Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc" cho chủ sở hữu là UBND huyện Yên Mô.
Bước đầu huyện Yên Mô đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc" cho 4 cơ sở/hộ sản xuất kinh doanh đủ điều kiện. Đồng thời ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc"; quy định sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; quy trình chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm...
Theo ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khi nhãn hiệu được đăng ký và bảo hộ sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. Đối với người sản xuất thông qua việc xây dựng thương hiệu sẽ nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngoài ra, khi nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ sẽ chống lại sự tranh chấp về thương mại, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng. Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc" sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho người sản xuất kinh doanh sản phẩm phát triển nghề, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với huyện Yên Mô quản lý và phát triển nhãn hiệu trở thành thương hiệu mạnh. Trong đó tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc"; tổ chức quản lý và vận hành tốt các công cụ quản lý đã xây dựng để đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh; tuyên truyền, đào tạo để doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực hiện đầy đủ các quy định; các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản phẩm lưu thông trên thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Hồng Giang - Anh Tuấn