Tuổi trẻ hào hùng "Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương vùng chiêm trũng Gia Trung, huyện Gia Viễn. Ngày đó, quê tôi như là một ốc đảo bị chia cắt bởi con sông Hoàng Long" - Đại tá thương binh Đào Đức Tại mở đầu câu chuyện về quê hương ông như thế. Tuổi thơ vất vả, đói nghèo bên con sông quê trở thành động lực để thế hệ của ông nỗ lực học tập, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
Đại tá thương binh Đào Đức Tại.
Lớn lên trong những ngày đất nước chiến tranh, học xong cấp 3, ông Tại thi đỗ vào Đại học An ninh, giữa những ngày thủ đô Hà Nội mịt mù trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Thời sinh viên của ông gắn liền với không khí lao động sục sôi những ngày đầu miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sự kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo, thấm đẫm tình người của quân và dân Hà Nội trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Nhớ lại thời sinh viên, ông Tại bồi hồi: "Rời giảng đường cũng là lúc đất nước thống nhất, những hoài bão, khát vọng, được cống hiến để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Tổ quốc đàng hoàng, tươi đẹp theo Di chúc của Bác Hồ… luôn tràn ngập trong trái tim và khối óc thế hệ chúng tôi". Ước mơ ấy đã thành hiện thực, khi ông được cử vào nhận công tác ngay tại "thủ phủ" một thời của chế độ ngụy quyền, trở thành người cán bộ điều tra của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự Bộ Công an ở phía Nam.
Thấm thoắt đã hơn bốn thập kỷ, ông Tại không nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu chuyên án, từ một người lính binh nhì, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, đến đầu năm 2011, ông được nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, thương binh 4/4.
Doanh nhân có tâm và tầm
Mặc cho cơn bão khủng hoảng tài chính hoành hành làm cho thị trường bất động sản của thành phố sôi động nhất nước bị tê liệt, công việc kinh doanh ở các Công ty của gia đình ông Đào Đức Tại vẫn luôn sôi động. Tọa lạc trên mặt bằng chiếm gần hết mặt tiền Thương xá CMC, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình là hai dãy cửa hàng của Công ty Đào Gia Phát và Công ty Khánh Đăng. Cả hai công ty đều do cựu Đại tá Đào Đức Tại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, tại đây bày bán hàng trăm mẫu sản phẩm trang trí nội thất xây dựng.
Gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Đào Gia Phát.
Ông Tại tâm sự: Có được cơ ngơi như hôm nay, công lao chính là của người vợ hiền và những đứa con ngoan. Vợ của ông là bà Phạm Thị Hồng Thái, nhỏ hơn ông 4 tuổi. Bà Thái vốn cũng là một sỹ quan công an, trước đây công tác ở Hà Nội. Năm 1993, bà Thái được nghỉ hưu với cấp hàm đại úy, đầu quân vào làm việc cho Công ty cổ phần gạch Thạch Bàn, Hà Nội. Năm 1999, khi người con trai đầu là Đào Việt Khánh học xong đại học ở Hà Nội, bà Thái cùng các con quyết định vào Nam kinh doanh vật liệu xây dựng. Khi ấy, thị trường bất động sản đang thời cao điểm nên việc kinh doanh của bà Thái lên nhanh.
Năm 2007, bà thành lập Công ty Đào Gia Phát. Năm 2011, ông Đào Đức Tại được nghỉ hưu, gia đình ông thành lập thêm Công ty Khánh Đăng, giao cho cậu con trai cả Đào Việt Khánh làm Giám đốc, ông Tại là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Công ty Đào Gia Phát và Khánh Đăng ngày càng khẳng định được vị thế của mình, là thương hiệu có uy tín đối với các nhà thầu xây dựng lớn trên địa bàn thành phố mang tên Bác. Công ty đã giải quyết việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ có thu nhập ổn định. Lao động của công ty nhiều người là con em quê hương Ninh Bình, nhiều em là sinh viên con nhà nghèo học giỏi được ông Tại nhận vào làm việc.
Trong ảnh: Bà Thái và ông Tại là người thứ 2, thứ 3 từ phải sang.
"Người Ninh Bình làm ăn và sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh thành đạt như ông Tại là không hiếm. Nhiều người cũng luôn đau đáu nhớ về quê hương bằng những nghĩa cử hết sức cao quý, nhưng để có một tấm lòng luôn nặng nghĩa ân tình với quê hương như anh Tại đây quả là hiếm" - bác Hà Quang Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về ông Tại. Đúng như lời của bác Yên, nhìn vào bảng vàng các mạnh thường quân đóng góp xây dựng quê hương của Hội đồng hương Ninh Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua, cái tên Đào Đức Tại luôn nằm trang trọng ở vị trí tốp đầu.
Với vị Đại tá thương binh này, đóng góp giúp đỡ quê hương xây dựng nông thôn mới, giúp người dân quê phục hồi, tôn tạo lại các di tích lịch sử - văn hóa luôn là một việc làm tự nguyện, mong muốn làm sao cho những người dân quê chân lấm tay bùn bớt đi những khó khăn vất vả như thế hệ của ông đã từng phải chịu. Chỉ tính trong vài năm lại đây, số tiền gia đình ông Tại ủng hộ cho vùng quê chiêm trũng Gia Trung đã là con số hàng trăm triệu đồng. Từ việc đóng góp xây dựng đình làng, trường học, làm đường giao thông, xây miếu thờ Thành Hoàng làng, đến việc mua tặng thuốc men cho người già, tặng quà cho con trẻ.., người dân Gia Trung đều ghi tạc tấm lòng thơm thảo của gia đình ông Tại.
Hơn nửa thế kỷ xa quê hương, người học trò nghèo năm xưa, nay mái tóc đã ngả bạc. Vùng quê chiêm trũng Gia Trung của ông Đào Đức Tại nay cũng đang từng ngày thay da đổi thịt. Nhưng có một thứ luôn vẹn nguyên trong người cựu chiến binh này - ấy là nghĩa tình của ông với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Một mùa xuân mới đang về. ở nơi cách xa quê hương hàng ngàn cây số, ông thầm gửi về quê hương một tình yêu, một nỗi nhớ da diết và một niềm tin mãnh liệt: quê hương ông sẽ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ trong năm mới.
Bài, ảnh: Văn Học