Ninh Bình là một tỉnh thuần nông, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã và đang phát triển theo hướng kinh tế trang trại, các hộ gia đình chế biến nông sản, phát triển các ngành dịch vụ gắn với phát triển chăn nuôi quy mô lớn khiến chất thải sản xuất và sinh hoạt ngày càng nhiều, gây ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Không thể phủ nhận những hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, tuy nhiên kéo theo đó là sự đe dọa về môi trường do lượng chất thải chăn nuôi ngày càng tăng, lượng khí CO2 do sử dụng than củi làm chất đốt gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời tìm ra một nguồn năng lượng sạch cho người nông dân, xây dựng hầm biogas là một trong những giải pháp của Ninh Bình. Qua điều tra, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để phát triển NLSH là hướng đi đúng đắn và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân đặc biệt của nông dân và cán bộ chính quyền. Tuy nhiên cũng qua nghiên cứu cho thấy để phát triển NLSH, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường hiểu biết và kiến thức cho nhân dân và cán bộ, có thể thông qua tuyên truyền, các chương trình đào tạo, tập huấn đồng thời cần tăng cường khả năng quản lý và hỗ trợ của chính quyền địa phương với bà con nông dân, có thể phối hợp với các cơ quan, tổ chức khoa học và nghiên cứu xây dựng giám sát và kiểm định lại các vấn đề phát triển NLSH để đảm bảo phù hợp và hiệu quả tránh chủ quan của chính quyền các cấp.
Để phát triển NLSH cần khoản đầu tư rất lớn mà bản thân ngân sách của tỉnh là không phù hợp, hơn nữa do trình độ và kinh nghiệm triển khai dự án về NLSH của tỉnh cũng như Việt Nam còn nhiều yếu kém, công tác quản lý vốn của các cấp hiệu quả kém. Như vậy để thực hiện được việc phát triển NLSH tỉnh Ninh Bình cần tăng cường quảng bá tiềm năng, chủ động tìm kiếm, tiếp xúc các cơ quan, tổ chức và nhà nước để kêu gọi đầu tư, tỉnh cần xây dựng chương trình phát triển và các phương án quy hoạch một cách chủ động với sự hộ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Việc sử dụng hầm khí sinh học không chỉ giải quyết vấn đề về chất thải gây ô nhiễm môi trường mà còn giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí điện, gas. Nhiều mô hình khí sinh học đã áp dụng thành công tại Ninh Bình. Sử dụng hầm khí sinh học có thể tiết kiệm gas cho đun, nấu hay tiền điện thắp sáng. Ngoài ra, do chất thải sau khi phát điện có thể dùng để làm phân bón nên mỗi hầm khí sinh học còn có thể tiết kiệm gần 300.000 đồng chi phí phân bón cho 1ha lúa. Đồng thời, hạn chế côn trùng phát triển, giảm dịch hại từ 80-85%, nâng cao chất lượng sản xuất và bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, về mặt xã hội và môi trường, chất thải chăn nuôi được xử lý đã hạn chế cơ bản ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo bếp đun không khói bụi, sạch sẽ, tiết kiệm thời gian.
Theo thông kê trên địa bàn tỉnh hiện có gần 5.000 công trình khí sinh học biogas. Tiết kiệm được trên 40.000 kg gas công nghiệp dùng cho đun nấu và 45% lượng điện năng thắp sáng, tương đương khoảng 350.000 kWh. Như vậy với mỗi hầm biogas trung bình mỗi hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/năm tiền mua chất đốt và thắp sáng.
Tuy nhiên để mô hình thực sự đạt được hiệu quả cần đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển năng lượng tái tạo nói chung cũng như về mô hình sử dụng hầm khí sinh học biogas trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường quảng bá, tiếp xúc, thu hút đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn, khoa học kỹ thuật về NLSH hiện đại từ nhà nước, tổ chức quốc tế và nước ngoài.
Tăng cường thu hút, hỗ trợ chương trình, dự án khoa học kỹ thuật NLSH hiện đại của các nhà nghiên cứu trong nước, nước ngoài và các tổ chức quốc tế để làm tiền đề cung cấp thông tin đáng tin cậy về tiềm năng NLSH, phương án khai thác hiệu quả, quy hoạch và chương trình chiến lược cho tỉnh đồng thời cung cấp cho các nguồn đầu tư khác.
Xây dựng chương trình hành động chiến lược về phát triển NLSH của tỉnh trên cơ sở tham vấn các nhà nghiên cứu và quản lý, xây dựng quy hoạch tài nguyên NLSH và bản quy tắc sử dụng, khai thác NLSH trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý phục vụ nhu cầu phát triển NLSH; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, xin cơ chế và thử nghiệm riêng cho tỉnh để phát triển NLSH. Nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển NLSH thông qua tuyên truyền, truyền thông, tăng cường đào tạo về quy trình sản xuất và công nghệ NLSH hiện đại cho người dân đặc biệt là nông dân và chính quyền địa phương
Hoàng Tiến Hà