Dạo quanh một số chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh nhận thấy, vẫn còn tình trạng người bán, người mua không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách, đeo cho có... Đây được cho là tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao nếu xuất hiện ca bệnh. Đòi hỏi, những người có trách nhiệm phải kiểm tra, nhắc nhở những người mua, bán, ra - vào chợ, để những tấm biển "đeo khẩu trang, sát khuẩn khi vào chợ" được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Ngay cổng ra vào chợ Nhà máy điện (chợ 5 tầng), phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình), tấm biển to đặt giữa đường vào-ra chợ, in chữ hoa to, rõ ràng: "Yêu cầu quý khách đeo khẩu trang khi vào chợ". Tuy nhiên, bắt gặp đây đó vẫn còn những người mua-bán hàng chưa thực hiện nghiêm quy định này. Ngoài số ít là khách mua hàng, còn có những người bán hàng không đeo khẩu trang, thậm chí có nhóm còn tập trung ăn uống, tập thể dục, nói chuyện với nhau mà không đeo khẩu trang hoặc kéo xuống dưới cằm nói cho dễ...
Bà Trần Thị Huyền, một tiểu thương cho rằng, theo dõi qua ti vi, đài, báo, thì cũng thấy dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh, nguy hiểm, nhưng tại tỉnh Ninh Bình hiện chưa có ca bệnh trong cộng đồng, nên chắc không sao... Rồi đeo khẩu trang mãi nóng quá, khi mua bán khó giao tiếp, trao đổi với nhau nghe không rõ...
Tại chợ Ninh Phúc, vào các buổi chiều, số người dân đến chợ mua-bán không đeo khẩu trang khá nhiều. Các phiên chợ chiều thường không sôi động, nhộn nhịp như các phiên chợ buổi sáng, nên từng nhóm bán hàng tụ tập ngồi nói chuyện, chia sẻ về mọi chuyện. Ai cũng lo ngại về tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, chính bản thân những người này lại không đeo khẩu trang.
Bà Điền Thị Thúy, một người bán hàng tại chợ Ninh Phúc chia sẻ, tôi vẫn biết dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, nhưng bán hàng cả buổi tại chợ, nắng nóng oi bức, đeo khẩu trang mãi cũng mệt, không quen. Thi thoảng tháo ra cho thoải mái, lúc nào có đông người thì lại đeo khẩu trang vào...
Tình trạng này khiến nhiều người dân đi chợ cảm thấy bất an, cho rằng ý thức của một số người chưa tốt, chưa có trách nhiệm với cộng đồng.
Chị Đinh Thị Thanh Thủy, phường Nam Bình bày tỏ: Tôi mong Ban quản lý chợ cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, nếu cần thì cũng phải có hình thức xử phạt để thực hiện nghiêm quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người...
Theo bà Vũ Thị Thoan, Ban Quản lý chợ Nhà máy điện (chợ 5 tầng), chợ có khá đông số hộ kinh doanh, họp vào các buổi sáng hàng ngày, tập trung khá đông người ở nhiều nơi đến họp, trao đổi mua bán nhiều mặt hàng khác nhau. Do chợ rộng, có 2 cổng ra-vào, nên chúng tôi đặt 2 biển khá to, nhắc nhở người dân đi chợ phải đeo khẩu trang. Đa số người dân đều thực hiện nghiêm túc quy định này, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ còn thiếu ý thức, họ đeo không đúng cách hoặc để khẩu trang trong túi, khi nhắc mới mang ra đeo...
"Trong không gian chật hẹp giữa các quầy hàng, sạp bán hàng, khó tránh khỏi việc người dân và các tiểu thương tiếp xúc gần nhau. Nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn nếu có người nhiễm bệnh. Thời điểm đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát trở lại, phường Thanh Bình đã cắt cử lực lượng trực ở các cổng ra-vào chợ, để nhắc nhở người dân, tạo thói quen, ý thức chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế trong phòng dịch..." - bà Thoan cho biết thêm.
Thượng úy Trần Quang Đại, Công an phường Thanh Bình cho biết: Thời gian qua, lực lượng làm nhiệm vụ đã xử phạt 20 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng trên địa bàn phường, với mức xử phạt 2 triệu đồng/người. Tuy nhiên, tại một số nơi như chợ truyền thống, quán ăn gia đình, do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát được hết. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh, người dân, xử phạt nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng chống dịch...
Bác sĩ Đinh Thị Vũ Hương, Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Các chợ truyền thống là nơi thường xuyên tập trung đông người, từ nhiều nơi đến mua bán, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Đồng thời, môi trường ở chợ, nhất là các khu vực bày bán thực phẩm tươi sống thường ẩm thấp, điều kiện vệ sinh có mức độ, nên luôn tiềm ần nguy cơ cao lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện ca bệnh tại chợ, việc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát số người tiếp xúc, liên quan gặp rất nhiều khó khăn...
Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng lên mỗi ngày, trong đó có nhiều ca bệnh lây lan nhanh tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối. Để tiểu thương yên tâm buôn bán và đảm bảo an toàn cho người dân đến chợ mua sắm, đòi hỏi Ban quản lý các chợ phải tăng cường các giải pháp bảo đảm phòng dịch, như yêu cầu đeo khẩu trang, vệ sinh, quét dọn chợ sạch sẽ... Kiểm soát được thực phẩm đưa vào buôn bán tại chợ, biết được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân và người buôn bán tại chợ thực hiện nghiêm quy định về phòng dịch. Kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm để răn đe, nâng cao ý thức thực hiện.
Bài, ảnh: Huy Hoàng