Mô hình Thư viện xanh của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng được xây dựng từ nhiều năm học nay và đã phát huy tác dụng trong việc tìm hiểu kiến thức cũng như nâng cao ý thức đọc sách trong các em học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mô hình Thư viện xanh là một trong những tiêu chí trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", do đó nhà trường đã huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng các điểm đọc sách xung quanh sân trường, dưới những tán cây, ghế đá có bóng mát - một không gian đọc giữa thiên nhiên, nhiều ánh sáng giúp các em ngồi tham khảo đọc sách kết hợp vui chơi, nghỉ ngơi sau mỗi giờ học căng thẳng. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, mô hình này đã hình thành thói quen trong nhiều em học sinh, nên cứ mỗi giờ ra chơi, không cần nhắc nhở, nhiều học sinh đã tự nguyện lấy sách ra đọc, trân trọng giữ gìn sách cho các bạn đọc sau.
Em Trần Nguyễn Mỹ Hà, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: Vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi ở các giá sách tại sân trường. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc. Khi cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về những cuốn sách, bài báo hay, nhất là những gương về các bạn đội viên học giỏi, hát hay để học tập, noi theo. Để duy trì mô hình Thư viện xanh, nhà trường đã tích cực huy động nguồn sách trong các em học sinh, liên hệ với Thư viện tỉnh để trao đổi, luân chuyển các đầu sách...
"Thời gian tới, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thư viện, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng thư viện trường học, huy động các nhà tài trợ, doanh nghiệp, cá nhân, hội cha mẹ học sinh, giáo viên, học sinh quyên góp sách, ủng hộ trang thiết bị thư viện; mở rộng và xây dựng thêm các không gian thư viện mới để thu hút ngày càng đông đảo học sinh đến đọc sách, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường" - cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung cho biết thêm.
Ở huyện miền núi Nho Quan, theo cô giáo Đinh Thị Lan Anh, chuyên viên phòng GD&ĐT huyện, để nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, hạn chế văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng, Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường tiểu học đặt các loại báo, tạp chí phù hợp với lứa tuổi các em học sinh như Thiếu niên, Nhi đồng, Văn học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ…; đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, nhân viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa của "văn hóa đọc" giúp mọi người có thói quen đọc sách, ghi chép, ghi nhớ, tư duy, giúp ích cho việc giảng dạy và học tập.
Cùng với đó, Phòng Giáo dục huyện Nho Quan cũng yêu cầu các nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách lồng ghép vào giờ sinh hoạt chào cờ hàng tuần; khuyến khích cán bộ thư viện phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh cách đọc sách khoa học, hiệu quả, giới thiệu cho các em những cuốn sách, tài liệu cần đọc để nâng cao hiệu quả đọc sách.
Hiện nay, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Nho Quan đã cơ bản đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách dưới nhiều hình thức như "Thư viện lớp học", "Thư viện xanh", "Thư viện thân thiện"… bằng việc xã hội hóa để xây dựng thư viện trường học. Ngoài việc trích kinh phí của trường đầu tư mua thêm sách, báo, nhiều trường học như Tiểu học thị trấn Nho Quan, xã Thạch Bình, Đức Long, Thanh Lạc, Đồng Phong… đã tích cực huy động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng quyên góp ủng hộ tủ sách lớp học, tủ sách dùng chung để tất cả các em học sinh có nhu cầu đều có thể được đọc sách.
Đặc biệt hàng năm, nhân "ngày hội đọc sách", 100% các trường tiểu học đều tổ chức ngày hội để vừa tuyên truyền, giao lưu, vừa giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả; đồng thời tổ chức các hội thi kể chuyện, ngâm thơ, diễn kịch, đọc diễn cảm, vẽ tranh theo sách… để nêu gương, khen thưởng những tập thể lớp, cá nhân đọc nhiều, nhớ nhiều sách, báo, tạp chí… Hiện nay, 27/27 trường tiểu học trên địa bàn huyện Nho Quan đều có các thư viện trường học theo quy định, trong đó có nhiều thư viện đạt chuẩn và xuất sắc.
Theo ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 40 trường tiểu học ở các huyện, thành phố xây dựng được mô hình "Thư viện xanh". Mô hình thư viện này được đánh giá là hiệu quả và phù hợp, rất hữu ích trong việc rèn luyện kỹ năng đọc - hiểu cho học sinh tiểu học, do đó cần được duy trì và nhân rộng trong các nhà trường. Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục đã kiểm tra công nhận 13 thư viện trường học lên mức chuẩn cao hơn, kết quả có 11 thư viện được công nhận xuất sắc, 2 thư viện được công nhận tiên tiến. Đến nay, toàn ngành có 322/327 thư viện đạt chuẩn trở lên, chiếm 98,5% tổng số thư viện trường học, trong đó có 58 thư viện tiên tiến, chiếm 17,7%, 214 thư viện xuất sắc, chiếm 65,4%. Toàn tỉnh có 422/478 trường mầm non, phổ thông và TT GDTX đạt danh hiệu "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", chiếm 88,3%, trong đó đạt loại xuất sắc là 297 đơn vị, chiếm 62,9%.
Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khuyến khích nhân rộng các mô hình "Thư viện xanh", "Thư viện thân thiện" tới các trường học trên địa bàn. Cùng với đó tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện các nhà trường để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo.
Tuy nhiên, để các thư viện trong các trường ngày càng phát huy tác dụng, thu hút các em học sinh tham gia, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, đưa các thư viện vào hoạt động hiệu quả, theo đúng vai trò, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo, phát huy hiệu quả công tác dạy và học trong các nhà trường.
Hạnh Chi