Từ năm học 2014-2015, trường tiểu học Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) đã triển khai chương trình "Chúng em với thư viện xanh". Mô hình này đã gắn kết được học sinh với việc đọc sách hằng ngày, góp phần rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng tương tác giữa các em học sinh và hình thành văn hóa đọc trong nhà trường. Em Vũ Thị Hồng Minh, học sinh lớp 5C, cho biết: Khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, nhiều bạn lớp chúng em và học sinh các lớp khác lại tập trung về khuôn viên "thư viện xanh" để tìm đọc sách, báo. "Em thấy cách đọc sách, báo này rất thú vị. Chúng em có thể vừa vui chơi, vừa có thể chọn những loại sách, báo yêu thích để đọc và trao đổi cho nhau nghe…"
Được biết, để việc xây dựng mô hình "Thư viện xanh" đạt hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh và học sinh về mục đích, ý nghĩa của mô hình, kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ nhiều phía. Ngoài huy động nguồn kinh phí đầu tư từ địa phương và xã hội hóa được trên 100 triệu đồng để xây dựng thư viện khang trang với gần 1.400 đầu sách, báo, tạp chí và các loại sách nâng cao phục vụ công tác giảng dạy và học tập tại trường; nhà trường đã kêu gọi, vận động các bậc phụ huynh ủng hộ nhà trường 15 tủ sách, hàng chục ghế đá được đặt ngay dưới các bóng mát cây xanh ngoài sân trường, giúp học sinh dễ dàng chọn lựa sách ngồi đọc trong giờ ra chơi.
Đến trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp) vào giờ ra chơi bắt gặp hình ảnh từng tốp học sinh ngồi đọc sách báo tại khuôn viên "Thư viện xanh" của trường. Có từ 4-5 học sinh một nhóm, các em vừa đọc vừa trao đổi kiến thức với nhau rất vui vẻ, thoải mái. Em Trần Thảo Chi, học sinh lớp 4D chia sẻ: "Em rất thích đọc sách, báo, vì thế, "thư viện xanh" thực sự là người bạn lớn của em. Nhất là khi được đọc sách ở sân trường thoáng đãng, mát mẻ như thế này, em thấy càng dễ nhập tâm, ghi nhớ hơn".
Thầy giáo Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú cho biết: "Thư viện xanh" không chỉ là nơi để các em học sinh trong trường bồi dưỡng kiến thức mà còn tạo môi trường thân thiện để các em phát triển toàn diện tri thức, hình thành thói quen đam mê đọc sách, tự rèn luyện bản thân.
Đồng chí Dương Quốc Nam, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Do lứa tuổi học sinh ở bậc tiểu học còn nhỏ, muốn lôi cuốn các em vào phong trào đọc sách, báo, đòi hỏi thư viện trường học phải được bài trí sinh động, có sức hút và gần gũi để mọi học sinh có thể tiếp cận với sách. Mô hình "Thư viện xanh" được đánh giá là hiệu quả và phù hợp, rất hữu ích trong việc rèn luyện kỹ năng đọc - hiểu cho học sinh tiểu học. Trước thực tế đó, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các tạo trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng mô hình "Thư viện xanh", nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho việc đọc sách của các em học sinh và tạo cảnh quan môi trường học đường thân thiện, tích cực. Hiện toàn tỉnh có trên 40 trường tiểu học đã triển khai các mô hình thư viện này, bước đầu hình thành niềm say mê đọc sách từ tuổi nhỏ cho các em, góp phần phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện trường học.
Năm học 2016-2017, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình này tới các trường Tiểu học trên địa bàn. Cùng với đó tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện các nhà trường để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, tạo hứng thú và thu hút ngày càng đông học sinh tham gia đọc sách, báo. Tuy nhiên, để các mô hình "thư viện xanh" trong các trường tiểu học ngày càng phát huy tác dụng, thu hút các em học sinh tham gia, ngoài sự quan tâm đầu tư của các trường học, rất cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng và phụ huynh học sinh, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường, tạo niềm vui thích mỗi khi đến trường cho các em.
Hạnh Chi