Tuy nhiên để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN đạt từ 14-15%/năm; phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN tỉnh Ninh Bình đạt trên 20 triệu USD thì cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Trước hết là quản lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề.
Việc quy hoạch phát triển làng nghề phù hợp với quy hoạch của từng địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh của hàng TCMN của các địa phương, vừa mang lại hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước đối với môi trường của các làng nghề vừa là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo các làng nghề phát triển bền vững, đồng thời vừa tạo điều kiện cho hàng TCMN đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của WTO.
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, từ năm 2005 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND & UBND tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo phát triển nghề, làng nghề. Tỉnh đã ban hành quyết định số 1329/2005/QĐ-UBND ngày 04/7/2005 quy định về tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét công nhận làng nghề tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 09/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 06/10/2006 của UBDN tỉnh về đẩy mạnh phát triển, trồng, chế biến cói; thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 07/KH-UBND ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, trong đó xác định nhiệm vụ và giải pháp về khuyến khích phát triển làng nghề phục vụ du lịch với các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Trên cơ sở những chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh, các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm chỉ đạo. Vì vậy các hoạt động khuyến công để phát triển nghề và làng nghề được tăng cường.
Từ năm 2005 - 2011 tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh (thành phố, thị xã, huyện) về khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương là 13,758 tỷ đồng (khuyến công quốc gia 7,8 tỷ đồng, của tỉnh gần 6 tỷ đồng). Bình quân hàng năm kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng chủ yếu tập trung cho sản phẩm chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ.
Đã triển khai thực hiện các chương trình như: mở 280 lớp với 13.300 lao động được đào tạo nghề; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 320 học viên; xây dựng 37 mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới; hỗ trợ 7 cơ sở tham gia triển lãm hội chợ; thành lập 2 trung tâm dữ liệu điện tử.
Ngoài ra tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu cói ở huyện Kim Sơn diện tích 450,14ha, trong đó quy hoạch mới 285,41ha. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng đá mỹ nghệ Ninh Vân diện tích gần 97ha và UBND huyện Hoa Lư quy hoạch làng nghề đá mỹ nghề Ninh Vân với diện tích 23ha, tổng vốn 17,5 tỷ đồng. Sở Công thương đã xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp thêu ren là 630 triệu đồng.
Mặt khác, để hỗ trợ cho sự phát triển sản xuất hàng TCMN xuất khẩu, các cơ quan nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp nhỏ để đảm bảo doanh nghiệp có đủ lợi nhuận tiếp tục đầu tư sản xuất.
Việc miễn, giảm thuế xuất khẩu sẽ khuyến khích được doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi được vốn, mở rộng được thị phần ra nhiều thị trường trên thế giới.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để giảm thiểu các chi phí cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng TCMN.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, song hành với cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
Mạnh dạn và cởi mở hơn trong thực thi các chính sách đối với nhà đầu tư trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài để tăng cường thu hút đầu tư; đẩy nhanh quá trình ra quyết định, chính sách phù hợp với quy định của WTO thông qua cơ chế tăng cường mối liên hệ giữa các ngành, các cấp, các hiệp hội và các doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và quy trình cung cấp dịch vụ công, tăng cường đào tạo và đào tạo lại để đảm bảo cán bộ, công chức tiếp cận nhanh chóng với công nghệ mới, kiến thức chuyên môn mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính minh bạch, công khai các thủ tục hành chính; sớm triển khai áp dụng khai báo hải quan điện tử trong xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy sự phát triển đối với các làng nghề như: Chính sách tài chính, tín dụng phải hoàn thiện theo hướng tạo vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề phát triển; Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho chương trình khuyến công từ trung ương đến địa phương; tăng vốn cho vay từ các quỹ; mở rộng mạng lưới của Ngân hàng và quỹ tín dụng; đa dạng hóa các hình thức cho vay với chính sách lãi suất cho vay hợp lý; chính sách miễn giảm thuế đối với một số ngành nghề cần khuyến khích phát triển và thu hút nhiều lao động.
Bảo Yến