3 năm gần đây, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng và phát triển làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống. Phát huy lợi thế của địa phương, nhiều xã đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở thêm các ngành nghề ở những nơi có làng nghề như làng nghề đan cói huyện Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải,…. Cùng với đó, các ngành chức năng đã đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề. Năm 2013, Sở Công Thương với chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng xét duyệt công nhận làng nghề, nghệ nhân đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận danh hiệu làng nghề tỉnh Ninh Bình cho 6 làng nghề, nâng tổng số làng nghề được công nhận lên 75 làng và phong tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình cho 16 nghệ nhân các nghề thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, gốm sứ. Ngoài ra, các địa phương còn tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận với ngành nghề mới phù hợp, phấn đấu mỗi làng có một nghề.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp phát triển làng nghề trong xây dựng nông thôn mới, hoạt động làng nghề có nhiều khởi sắc. Một số làng nghề truyền thống hoạt động ở các lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ với quy mô lớn, lao động có việc làm ổn định với nhiều đơn hàng xuất khẩu và các đơn hàng có giá trị cao như: các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân; làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải; Làng nghề mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong; làng nghề gốm Mỹ Lộc, xã Gia Thủy, một số làng nghề chế biến cói trên địa bàn huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh... Hoạt động sản xuất các làng nghề góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Theo báo cáo của Sở Công thương, các làng nghề trong tỉnh đã thu hút và tạo việc làm cho khoảng 22.000 lao động nông thôn, số hộ tham gia hoạt động nghề ở làng thấp nhất cũng chiếm 48% tổng số hộ trong làng (làng nghề trồng đào phai thôn 1, xã Đông Sơn), làng cao nhất đạt 90% tổng số hộ tham gia hoạt động nghề trong làng (làng nghề trồng đào phai thôn 7, xã Đông Sơn). Người dân trong làng nghề luôn hăng hái tham gia lao động sản xuất và hoạt động nghề, thu nhập bình quân tại các làng nghề đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất ở các làng nghề ước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ phát triển làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn và nâng cao giá trị thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt trên 19,5 triệu đồng/người/năm, góp phần thực hiện một số tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, hoạt động của các làng nghề tuy có phát triển xong chưa thực sự ổn định. Thị trường nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm luôn bị biến động do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, phần lớn làng nghề tiếp tục hoạt động tốt là do gắn với các doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó một số làng nghề thêu ren, mây tre đan trên địa bàn huyện Gia Viễn, Nho Quan hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, hiệu quả không cao. Hiện nay có 2 làng nghề tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ là làng nghề chẻ tăm hương Thần Lũy II, xã Đức Long, huyện Nho Quan và làng nghề cốt chăn bông Nhân Lý, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn sản xuất, mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất còn ở mức thấp và các làng nghề chưa tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển. Chưa có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đứng chân ổn định trong làng nghề để tạo đà phát triển cho làng nghề, đảm bảo tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Trong thời gian tới, làng nghề tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó bên cạnh bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống cần phát triển làng nghề theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và du nhập nghề mới về vì hiện nay số lượng các làng nghề, làng có nghề vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các đơn vị thôn, làng trong tỉnh. Để du nhập và duy trì được nghề mới ở một địa phương đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể và những giải pháp cụ thể, trong đó, phải coi trọng và đẩy mạnh việc tổ chức dạy nghề, truyền nghề. Tỉnh cần có chính sách thu hút, hỗ trợ để phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn. Đối với những làng nghề có xu hướng bị suy giảm hoặc hoạt động cầm chừng cần tập trung đầu tư, hỗ trợ để bảo tồn và khôi phục, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hồng Giang