Kỳ 2: Nhiều giải pháp "gỡ khó" trong công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp ngoài Nhà nướcKhó khăn không chỉ do thiếu nguồn
Vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã được khẳng định, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, tổ chức Đảng và đoàn thể đã nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu, góp phần ổn định doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, hiện toàn Đảng bộ mới có 68 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, trong đó có 25 đảng bộ, 43 chi bộ với 3.257 đảng viên. Con số này thực sự khiêm tốn trong tổng số hơn 4.000 doanh nghiệp của tỉnh.
Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy cơ sở chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo định hướng sản xuất, kinh doanh. Nhận thức của một số lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ giữa tổ chức đảng, đoàn thể với chủ doanh nghiệp chưa được xác định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, ở doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên thì hoạt động của chi bộ, đảng viên phụ thuộc vào quyết định của chủ doanh nghiệp. Hiện nay chủ doanh nghiệp là đảng viên chiếm tỷ lệ thấp. Hoạt động của chi bộ cơ động, chi bộ tại một số doanh nghiệp FDI chưa rõ vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở...
Cá biệt có một số doanh nghiệp (trước đây là doanh nghiệp Nhà nước) đã có tổ chức Đảng nhưng khi tiến hành cổ phần hóa thì tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không phát huy được hiệu quả, không thường xuyên tổ chức sinh hoạt chi bộ, dẫn đến phải giải thể tổ chức Đảng, đảng viên chuyển sinh hoạt về địa phương nơi cư trú.
Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động của các cấp ủy đối với doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp chưa thường xuyên, chưa sâu sát, còn thiếu những thông tin cần thiết. Các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người lao động. Một số doanh nghiệp có số công nhân đông, phân tán. Do đó, gây khó khăn cho cấp ủy lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và phát triển đảng viên. Xây dựng tổ chức Đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là chủ trương của Đảng, nhưng chưa được luật hóa...
Cần tạo "sức hút" của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, theo đồng chí Vũ Trung Thành, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp ủy cần quan tâm tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, người lao động về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể. Thường xuyên rà soát, nắm chắc thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, số lượng công nhân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, kết hợp với quan tâm, vận động thành lập các tổ chức đoàn thể ở cơ sở làm hạt nhân nuôi dưỡng nguồn cho phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, quán triệt phổ biến chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, nhất là các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến doanh nghiệp. Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 - NQ/ĐU về "Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và trách nhiệm đối với người lao động".
Tuy nhiên, để tổ chức Đảng thực sự tạo được "sức hút" đối với mỗi đảng viên và người lao động trong doanh nghiệp, vấn đề quan trọng là phải đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ phù hợp mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động. Bí thư chi bộ Ngân hàng Hợp tác Ninh Bình cho rằng: Việc sinh hoạt chi bộ cần gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ để đáp ứng tốt yêu cầu công tác trong tình hình mới, đảm bảo việc sinh hoạt của chi bộ thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu của công tác xây dựng Đảng; tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo trong sự nghiệp đổi mới.
Các tổ chức đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật và những vấn đề thiết thân với công nhân như việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động… Muốn vậy cần nâng tầm đội ngũ cấp ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ. Hiện có không ít bí thư chi bộ đảm nhận những công việc thứ yếu ở doanh nghiệp nên khó bao quát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân.
Các cấp ủy tiếp tục bồi dưỡng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng, trước mắt tập trung vào những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ở các khu, cụm công nghiệp. Khi chủ doanh nghiệp là đảng viên thì việc phát triển Đảng sẽ thuận lợi hơn.
Nguyễn Thơm
Kỳ 1: Khi vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp được phát huy