Được tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ về xu thế phát triển của báo điện tử hiện đại, nhà báo Trần Thanh Tú, phóng viên Báo Ninh Bình cho rằng, với việc nắm bắt được những kỹ năng cơ bản của một tác phẩm báo chí điện tử như: Việc tổ chức thông tin và hình ảnh, kỹ năng rút title, tạo video và từ khóa, cách trình bày thông tin trên báo điện tử để thu hút người đọc… đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho mỗi phóng viên. Đặc biệt, tại khóa học, mỗi phóng viên phải là người xây dựng và thực hành các bài tập, các tác phẩm theo hình thức cá nhân hoặc trao đổi, làm việc theo nhóm, từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân, giúp khóa học mang lại hiệu quả cao nhất và sau đó mỗi nhà báo có thể áp dụng phù hợp với cơ quan, đơn vị mình, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền của các loại hình báo chí.
Những năm qua, nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí cách mạng địa phương, Báo Ninh Bình và Đài PTTH tỉnh đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong đó tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ những kiến thức mới, hiện đại về nghề báo cho đội ngũ cán bộ, phóng viên. Đài THNB liên tục mời các nhà báo giỏi, có kinh nghiệm của các Đài Truyền hình Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam về truyền đạt, hướng dẫn tại Đài, thông qua các tác phẩm báo chí của chính phóng viên đã được phát sóng tại Đài hoặc cùng tranh luận, cho ý kiến về một vấn đề, sự kiện, đề tài nào đó, có trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm, từ đó có những định hướng tuyên truyền phù hợp, phát huy tinh thần sáng tạo trong công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương. Với Báo Ninh Bình, việc tổ chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng đã được Cơ quan và Chi hội quan tâm tổ chức thường xuyên. Bằng nhiều hình thức tự trao đổi, thảo luận hoặc mời các nhà báo giỏi của các cơ quan báo chí Trung ương như Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, Hội Nhà báo Việt Nam… về giảng dạy, truyền đạt đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tại các buổi học tập, trao đổi nghiệp vụ, mỗi phóng viên được nêu quan điểm, trình bầy ý tưởng, suy nghĩ của mình về những vấn đề, các đề tài đặt ra; có trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thu thập thông tin, xử lý, viết bài, biên tập đến đăng tải trên các thể loại báo in và báo điện tử, từ đó hiểu rõ hơn xu hướng phát triển của báo chí hiện nay, không ngừng nâng cao kỹ năng, xu hướng làm báo hiện đại…
Phóng viên Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh tác nghiệp tại Trường THPT Gia Viễn A. Ảnh: Minh Quang
Đồng chí Nguyễn Kim Toàn, TUV, Tổng Biên tập Báo Ninh Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh có trên 100 hội viên - nhà báo, sinh hoạt tại 3 chi hội (Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh, Chi hội Thường trú TTX Việt Nam tại Ninh Bình. Để có được một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, bên cạnh hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí thường xuyên, định kỳ, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và trình độ lý luận chính trị cho các nhà báo.
Những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh đã chỉ đạo và tạo điều kiện cho hội viên đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Trung ương Hội tổ chức. Các Chi hội nhà báo cũng đã tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… nâng cao nghiệp vụ báo chí cho hội viên, những người làm báo; mời giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hoặc những nhà báo giỏi làm việc ở các cơ quan báo chí có uy tín của Trung ương như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam… về giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Hàng năm, luôn có hàng chục lượt cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị tại địa phương và Trung ương, góp phần từng bước nâng cao kiến thức chuyên sâu, trình độ mọi mặt của mỗi nhà báo.
Cùng với đó, Hội Nhà báo tỉnh cũng phát động và triển khai chặt chẽ công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao để khích lệ, động viên hội viên của các cơ quan báo chí trong tỉnh đi sâu, sát cơ sở nắm bắt thực tế, tìm đề tài, đầu tư thể hiện tác phẩm báo chí chân thực sinh động, đạt chất lượng. Đồng thời động viên, khuyến khích hội viên tích cực tham gia gửi bài, tác phẩm dự thi các Giải báo chí quốc gia, Liên hoan phát thanh truyền hình và hưởng ứng các giải, cuộc thi của các Bộ, ngành Trung ương phát động. Nhiều cuộc thi đã thu hút hàng chục nhà báo tham gia, với vài chục tác phẩm tham dự giải, trong đó đã có những tác phẩm đạt các giải thưởng cao, như giải Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc, giải ba Báo chí quốc gia và nhiều giải nhì, ba, khuyến khích trong các cuộc thi viết về Chỉ thị 05, về biến đổi khí hậu, môi trường, tài chính, biển đảo Việt Nam…
Cũng theo đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nguyễn Kim Toàn, hiện nay, với xu thế phát triển truyền thông đa phương tiện, báo chí địa phương đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải nắm bắt, đổi mới tư duy để đáp ứng kịp thời sự thay đổi đó. Để tiếp tục giáo dục, động viên, khích lệ hội viên thực hiện tốt trách nhiệm lớn lao và vẻ vang của báo chí và từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới, Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi hội, các cơ quan báo chí tăng cường tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao tính chuyên nghiệp cho hội viên. Cùng với đó, Hội Nhà báo cũng sẽ tham gia tích cực hơn nữa trong công tác chỉ đạo và quản lý báo chí theo quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin-Truyền thông và Hội Nhà báo, trong đó có việc chỉ đạo và quản lý các Chi hội, các cơ quan báo chí quản lý, giám sát hội viên để hội viên hành nghề đúng pháp luật, phát huy thế mạnh của báo chí trong định hướng dư luận xã hội, đóng góp có hiệu quả hơn nữa vào mọi thắng lợi của công cuộc CNH-HĐH quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Mỹ Hạnh