Cùng dự Diễn đàn "Hãy lên tiếng và hành động để xóa bỏ bạo lực gia đình" do Hội Phụ nữ Thành phố Ninh Bình phối hợp với phường Ninh Phong tổ chức nhận thấy, đây là sân chơi, hoạt động bổ ích không chỉ của chị em phụ nữ mà còn là "kênh" quan trọng để nam giới nắm bắt, hiểu rõ hơn về các khái niệm, hình thức, thực trạng, hậu quả, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Chị Đinh Thị Hải, hội viên phụ nữ phường tham gia tại diễn đàn cho biết, thực tế từ trước đến nay tôi cứ hiểu nôm na, bạo hành là có những hành động tác động bằng tay, chân đến người phụ nữ, nhưng qua nghe các đại biểu khách mời giới thiệu, phân tích và qua những tình huống thực tế được nêu ra, tôi hiểu thêm, bạo hành còn thể hiện ở nhiều hình thức khác như bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục…, trong đó có những loại bạo hành làm cho người phụ nữ rất khốn khổ, cay đắng.
Ông Vũ Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Ninh Phong cho rằng, Luật bình đẳng giới được Quốc hội nước Việt Nam thông qua vào ngày 29/11/2006 với mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ họp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Qua các buổi gặp gỡ, trao đổi trên diễn đàn như thế này nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ, ngăn chặn các hình thức bạo lực gia đình, các nguy cơ gây bất bình đẳng giới trong gia đình. Với trách nhiệm của mình, cấp ủy, chính quyền và mỗi tổ chức, cá nhân, cộng đồng cần góp sức hạn chế, đẩy lùi nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ nói riêng, bạo lực gia đình nói chung, góp phần xây dựng xã hội ngày càng bình đẳng, tiến bộ.
Theo bà Nguyễn Thị Tính, Trưởng Ban Luật pháp - Chính sách, Hội Phụ nữ tỉnh thì, bạo lực gia đình (BLGĐ) là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các thành viên khác trong gia đình. Đối với phụ nữ bị bạo hành gia đình sẽ làm hạn chế sự tham gia của họ vào các hoạt động cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho phụ nữ mà còn làm ảnh hưởng với cả trẻ em, gia đình, xã hội và vi phạm các quyền con người. Nhân Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt các mô hình, CLB: Bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, không sinh con thứ 3 trở lên, phòng chống bạo lực gia đình… Từ đó nâng cao kiến thức của người dân về vai trò, trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, tôn trọng pháp luật về hôn nhân gia đình, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, giảm dần tư tưởng trọng nam hơn nữ trong xã hội, từng bước thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, cộng đồng, trong lao động, sản xuất và trong các hoạt động xã hội khác.
Hưởng ứng "Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" năm 2017, các cấp Hội phụ nữ đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật bình đẳng giới đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Theo đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản pháp luật, các chế định luật, chính sách liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS, mại dâm, phòng, chống mua bán người, an toàn giao thông, quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn giao thông,... bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn như hội nghị tuyên truyền pháp luật kết hợp với tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí (đến tận thôn/xóm/phố); đối thoại chính sách pháp luật; diễn đàn, giao lưu, tọa đàm; nói chuyện chuyên đề; sinh hoạt CLB tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt hội viên...
Trong tuyên truyền pháp luật kết hợp với tư vấn, trợ giúp pháp lý, các cấp Hội phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 59 buổi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thu hút trên 6.100 người tham gia, đã tư vấn và trợ giúp pháp lý cho 310 người về các lĩnh vực: hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, các chính sách về bảo hiểm xã hội,… Qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý, trên cơ sở đề nghị của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã trực tiếp làm việc, đề xuất với các ngành chức năng xem xét, giải quyết quyền lợi, chế độ chính sách cho các trường hợp gặp khó khăn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Tính, Trưởng Ban Luật pháp - Chính sách, Hội Phụ nữ tỉnh, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác bình đẳng giới. Xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống BLGĐ với nội dung, hình thức phong phú, ưu tiên đối tượng là nam giới và những gia đình thuộc nhóm có nguy cơ cao xảy ra BLGĐ…, phấn đấu giảm thiểu nạn bạo lực gia đình, đảm bảo an sinh xã hội.
Mỹ Hạnh