Kỳ II: Những giải pháp đồng bộ, khoa học
Tăng sức trẻ, nâng cao sức chiến đấu Đây được xem là một trong những giải pháp có tính quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 8.967 đảng viên mới, trong đó 11 đảng viên là chủ doanh nghiệp, 388 đảng viên là học sinh, sinh viên, 277 đảng viên là người có đạo, 195 đảng viên là người dân tộc, nâng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh hiện nay lên 62.400 đảng viên. So sánh với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là mỗi năm kết nạp được 2.500 đảng viên trở lên thì con số này còn khá khiêm tốn và vấn đề tạo nguồn kết nạp Đảng, tăng sức trẻ vẫn là một bài toán khó cho tất cả các tổ chức đảng.
Nhiều giải pháp, nhiều cách làm đã được triển khai để đạt chỉ tiêu Đại hội mà vẫn đảm bảo chất lượng đảng viên mới. Đảng bộ Kim Sơn là một trong những đơn vị được đánh giá làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là với đặc thù là địa phương có đông đồng bào theo đạo Công giáo. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho các TCCSĐ và chỉ đạo sát sao, nhờ đó kết quả kết nạp đảng viên năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2010 đến 2013, Đảng bộ huyện đã kết nạp 1.075 đảng viên (đạt 82,7% chỉ tiêu Đại hội), trong đó 135 đảng viên là người có đạo (đạt 99,3% chỉ tiêu). Kim Sơn đã chú trọng kết nạp Đảng ở những xóm chưa có đảng viên và những xóm thuộc chi bộ ghép. Đến nay, Kim Sơn đã xóa được thôn, xóm không có chi bộ, không có đảng viên, thành lập được 31 chi bộ từ 12 chi bộ ghép. Đồng chí Vũ Đức Thạc, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Kinh nghiệm trong công tác phát triển Đảng của huyện là đẩy mạnh phát triển kinh tế, mở rộng ngành nghề để giữ chân thanh niên ở lại quê hương bởi đây là nguồn đảng viên dồi dào, phong phú.
Còn ở Đảng bộ huyện Nho Quan, việc củng cố tổ chức đảng ở các thôn, bản, kết nạp đảng viên mới, không để tái "trắng chi bộ" thường xuyên được quan tâm chỉ đạo. Đảng bộ các xã, thị trấn đã có nhiều giải pháp tích cực để tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là những nơi thôn bản chưa có chi bộ và chi bộ chỉ có từ 3 đến 5 đảng viên. Một số cấp ủy đã mạnh dạn điều động đảng viên là cán bộ thuộc xã quản lý hoặc đảng viên có kinh nghiệm của một số chi bộ để tăng cường về các chi bộ có số lượng đảng viên ít nhằm sâu sát cơ sở và trực tiếp lãnh đạo công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới.
Nhiều cấp ủy đã chủ động đề ra những giải pháp trong tạo nguồn phát triển đảng viên mới như giao chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, xem xét kết nạp đảng. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã kết nạp được 1.067 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt 71,3% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, trong đó 141 đảng viên là người dân tộc thiểu số, đại đa số trong tuổi Đoàn. Việc kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo đã góp phần thay đổi cơ cấu đảng viên trong từng đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng tại những nơi có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đồng chí Phạm Đình Vinh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tăng được sức trẻ chính là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho các tổ chức đảng. Trong tình hình thực tế hiện nay, khi mà nguồn đảng viên đang gặp khó khăn do tác động của cơ chế thị trường thì cần tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên, chủ doanh nghiệp, người có đạo, nông dân; coi trọng phân công nhiệm vụ cho đảng viên và quản lý đảng viên… Đặc biệt thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện việc củng cố, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng đối với cán bộ, công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, tổ chức đảng
Đây là vấn đề song hành với việc tăng sức trẻ cho các tổ chức đảng bởi nếu sinh hoạt chi bộ thiếu tính hấp dẫn, nhàm chán, xuôi chiều, không có tính chiến đấu thì những Nghị quyết của chi bộ không trở thành hiện thực trong cuộc sống vì mất tính thực tiễn, thiếu trí tuệ tập thể, không có sức hút với thanh niên.
Việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao vai trò lãnh đạo - "hạt nhân chính trị" ở thôn, xóm, phố của các chi bộ là phương thức để chi bộ "hấp dẫn" giới trẻ, xây dựng cho họ ý thức tự giác, tu dưỡng, phấn đấu trở thành đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt đối với các chi bộ thôn, xóm, phố và các chi bộ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp. Việc sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ thôn, xóm, phố cơ bản đã đi vào nề nếp, nội dung sinh hoạt có đổi mới. Mỗi quý, nhiều chi bộ đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề 1 lần, gắn kết giữa nội dung sinh hoạt định kỳ với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phổ biến những điển hình tiên tiến, những cách làm hiệu quả, một số đảng bộ trực thuộc tỉnh đã có các văn bản chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ban Thường vụ các đảng ủy trực thuộc tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quy định, công văn nhằm nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy viên cấp ủy cấp trên khi về dự sinh hoạt với cấp ủy cấp dưới và với chi bộ. Hiện nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Thành ủy Ninh Bình, Huyện ủy Yên Khánh triển khai thực hiện việc thí điểm phân công đảng viên ở chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn về dự sinh hoạt thường xuyên với chi bộ thôn, xóm, phố. Sau một thời gian thực hiện, các đơn vị đã tiến hành sơ kết và đánh giá cách làm này có tác dụng rất tích cực.
Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Đây không phải là vấn đề mới nhưng để làm tốt, có hiệu quả cần phải dầy công và kiên trì. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu, khảo sát nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung về phương pháp, cách thức, mô hình đối thoại, giao ban cụm và phân công đảng viên cơ quan cấp xã xuống dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố ở một số đơn vị đã làm cho phù hợp và hiệu quả hơn nữa; đưa việc đối thoại, giao ban cụm, việc phân công đảng viên chi bộ cơ quan cấp xã dự sinh hoạt chi bộ thành nền nếp, thường xuyên hơn, đồng thời gắn với việc thực hiện Quy định về lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Đối với những đơn vị chưa thực hiện cần nghiên cứu các mô hình trên để thực hiện thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong đảng bộ, kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất ngay từ cơ sở. Đây là phương pháp, cách thức giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trưởng thành nhanh cả về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác, tạo sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư chi bộ và chi ủy trong việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình. Nội dung sinh hoạt phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và những vấn đề nổi cộm của thôn, xóm, tổ dân phố, của cơ quan, đơn vị nhằm tạo được sức hút, sự hấp dẫn, không để nhàm chán, hành chính hóa trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần đổi mới việc xây dựng và ban hành nghị quyết của cấp ủy theo hướng trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị….
Với những giải pháp đồng bộ, khoa học, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, với những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng sẽ ngày càng có chuyển biến tích cực, tạo niềm tin, thắt chặt mối quan hệ giữa dân với Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015 đã đề ra.
< kỳ=""> Những điểm sáng từ cơ sở
Quỳnh Thu