Kỳ I: Những điểm sáng từ cơ sở Sâu sát cơ sở, định hướng hành động
Hiện thực hóa việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh đã có nhiều mô hình, cách làm cụ thể, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn cơ sở, bước đầu đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: Những mô hình hay, những cách làm sáng tạo này cần được nhân rộng và phát huy để vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được khẳng định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng cao, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là một yêu cầu vừa có tính thời sự, cấp bách, vừa có tính cơ bản, lâu dài, không chỉ thuộc về trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, các tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Với tinh thần đó, Huyện ủy Yên Khánh đã tổ chức hội nghị giao ban cụm với Bí thư các chi bộ trực thuộc Đảng ủy các xã, thị trấn, được dư luận quan tâm, trở thành điểm sáng trong việc cụ thể hóa chủ trương nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Theo đó, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm chủ trì hội nghị giao ban cụm trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25 của tháng cuối quý để nắm bắt tình hình cơ sở, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đồng thời qua đó giúp các đơn vị trao đổi kinh nghiệm về cách thức triển khai thực hiện những vấn đề nổi cộm mà huyện đang tập trung giải quyết.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cho biết: Chủ trương tổ chức hội nghị giao ban cụm đã giúp Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới phương thức lãnh đạo đối với cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng làm việc thông qua báo cáo; kịp thời động viên khuyến khích đội ngũ bí thư các chi bộ thôn, xóm, phố tiếp tục thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo chi bộ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Hội nghị giao ban được tổ chức với hình thức đối thoại cởi mở, thẳng thắn, tạo được bầu không khí dân chủ. Tại các hội nghị giao ban các cụm đã được tổ chức có tổng số 144 ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực, qua đó giúp Huyện ủy bổ sung, điều chỉnh nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp, sát với thực tiễn từng đơn vị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Một trong những cách làm sáng tạo của Yên Khánh trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng đã và đang được triển khai, đạt hiệu quả thiết thực là thực hiện thí điểm phân công các đồng chí đảng viên chi bộ cơ quan xã, thị trấn xuống dự sinh hoạt tại chi bộ thôn, xóm, phố theo định kỳ với phương châm "gần dân hơn, sát dân hơn, hiểu dân hơn". Đồng chí Trần Quang Lưu, công chức địa chính UBND thị trấn Yên Ninh cho biết: Khi được phân công xuống dự sinh hoạt chi bộ tổ dân phố, tôi có điều kiện sát với thực tiễn, hiểu và nắm chắc tình hình cơ sở. Còn theo đồng chí Phạm Xuân Khoát, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung việc làm này đã giúp công tác điều hành của Ban chi ủy, của đồng chí Bí thư chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung sinh hoạt được đổi mới, chất lượng sinh hoạt được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Yên Khánh nhấn mạnh: Việc phân công đảng viên chi bộ cơ quan xã, thị trấn về dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, phố đã giúp tránh được tình trạng công chức xa dân, đồng thời rèn luyện và đào tạo cán bộ cả về phong cách, phương pháp làm việc thận trọng hơn, tích cực tự học tập, tự rèn luyện chuyên môn. Trong thời gian tới, Yên Khánh sẽ rút kinh nghiệm tại những nơi làm điểm để thực hiện trên địa bàn toàn huyện.
Phát huy dân chủ, tạo niềm tin giữa dân với Đảng
Đây là cách làm hiệu quả mà huyện Kim Sơn đã triển khai từ năm 2012 đến nay bằng việc tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Huyện ủy với đại diện cấp ủy, chính quyền, nhân dân ở thôn, xóm, phố. Việc tổ chức đối thoại được chuẩn bị công phu, hội nghị đối thoại diễn ra dân chủ, cởi mở với tổng số 1.245 ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực, qua đó giúp Thường trực Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xem xét, xử lý, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện.
Việc tổ chức hội nghị đối thoại là một cách làm sáng tạo, phát huy dân chủ, củng cố thêm niềm tin của dân với Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Đối tượng dự đối thoại phấn khởi, tin tưởng khi được các đồng chí lãnh đạo huyện trao đổi, tiếp thu, chỉ đạo xử lý các vấn đề được nêu trong các cuộc đối thoại công khai, minh bạch. Đồng chí Vũ Đức Thạc, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Sơn nhận định: Việc làm này đã thể hiện phong cách, tác phong dân chủ, quần chúng, gần dân, sát dân theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó cũng nâng cao vai trò trách nhiệm, hạn chế tình trạng vô cảm, thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ, đảng viên, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Mỗi chi bộ là một "cánh tay nối dài" của Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi bộ trong sự phát triển, vững mạnh của Đảng. Thấm nhuần tư tưởng ấy, những năm qua, cấp ủy các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để mỗi chi bộ thực sự là một cánh tay nối dài của Đảng. Chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này tại Đảng bộ thành phố Ninh Bình, đơn vị được đánh giá triển khai thực hiện khá tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo đồng chí Đoàn Mạnh Tùng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy: Trên địa bàn, hầu hết các chi bộ đều duy trì tốt nề nếp sinh hoạt, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt tỷ lệ khá cao, đạt khoảng 80%; nội dung sinh hoạt có đổi mới; sinh hoạt chuyên đề được tăng cường hơn và gắn với việc đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", làm cho nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, thiết thực; cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, tự giác chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, một số chi bộ trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Làm việc với chi bộ phố Phúc Thái (phường Phúc Thành) chúng tôi nhận thấy cấp ủy nơi đây đã thực sự phát huy được tính lãnh đạo, định hướng hành động cho mỗi đảng viên bằng những phương thức khéo léo, linh hoạt. Đồng chí Bùi Hồng Hải, Bí thư chi bộ phố Phúc Thái chia sẻ: Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn khu phố chính là thay đổi cách điều hành của người bí thư chi bộ bằng việc mở rộng dân chủ, khuyến khích những ý tưởng hay, gợi mở để đảng viên bày tỏ quan điểm của mình. Bí thư chi bộ có sự hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp trong buổi sinh hoạt Đảng để bảo đảm chất lượng và triển khai đúng nội dung của cuộc họp trên cơ sở chuẩn bị kỹ càng, công phu từ trước…
Kỳ II: Những giải pháp đồng bộ, khoa học
Quỳnh Thu