Trong những năm qua, các đảng bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, khoa học, mang tính chiến lược, bền vững.
Những kinh nghiệm từ cơ sở
Đảng bộ xã Khánh Thành (Yên Khánh) được đánh giá là một trong những đảng bộ mạnh của huyện và có nhiều giải pháp thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Đảng bộ xã hiện có 362 đảng viên sinh hoạt tại 28 chi bộ, chủ yếu là chi bộ thôn, xóm nên để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng ủy xã đã lãnh đạo các chi bộ phải bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng nghị quyết và chương trình hành động của chi bộ thật cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng thôn, xóm, đồng thời phải dễ hiểu để chủ trương của Đảng đến được với các tầng lớp nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Tuân, Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh: Đảng bộ xã xác định, chi bộ là hạt nhân chính trị, là nơi trực tiếp triển khai thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các TCCSĐ. Sinh hoạt chi bộ nơi đây đã dần trở nên thiết thực, đảng viên tham gia sinh hoạt với tinh thần trách nhiệm cao.
Nói về những kinh nghiệm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng chí cho biết điều đầu tiên là phải kiện toàn, nâng cao chất lượng cấp ủy cơ sở có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ và uy tín cao, nhiệt tình, có trách nhiệm đối với công việc được giao. Muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì mỗi đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, đưa sinh hoạt vào nề nếp đúng định kỳ và quan trọng hơn cả là ở mỗi buổi sinh hoạt phải có nét mới, không lặp lại, nhàm chán.
Với mục đích đó, nhiều chi bộ ở Đảng bộ xã Khánh Thành đã duy trì được thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên đề thiết thực, sát với thực tiễn. Sinh hoạt chuyên đề thường gắn với những sự kiện thời sự nóng bỏng, nâng cao tính Đảng và gắn bó chặt chẽ với trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên. Chính vì thế, mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề thường thu hút rất đông đảng viên tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng. Nội dung những buổi sinh hoạt chuyên đề đã đi theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng thời điểm như chuyên đề về công tác tư tưởng cho đảng viên trong thời kỳ mới, chuyên đề sản xuất vụ đông, phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng văn hóa, tạo nguồn phát triển đảng viên, việc phân công công tác cho đảng viên, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các biện pháp để nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực và phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên; các giải pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Với Đảng bộ xã Kim Mỹ (Kim Sơn), giải pháp quan trọng mà Đảng bộ xã đề ra để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ là tăng cường công tác kết nạp đảng viên mới, nhất là những đảng viên trẻ. Đảng bộ đã chỉ đạo các đoàn thể chính trị như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân… phát động nhiều phong trào thi đua, những việc làm hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để từ đó phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố điển hình, đủ điều kiện để xem xét kết nạp vào Đảng. Trong thời gian hơn 1 năm qua, với nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác tạo nguồn, Đảng bộ xã đã kết nạp được 12 đảng viên mới với trên 80% đang trong độ tuổi Đoàn, có 7 đảng viên là người có đạo, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 161 đồng chí. Đa số đảng viên mới kết nạp đều có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu công việc được giao, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, có ý thức xây dựng Đảng, góp phần tích cực vào việc trẻ hóa đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ.
Kết quả và những hạn chế
Có thể nói, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn" và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", hoạt động của các đảng bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh có những chuyển biến tích cực. Các đảng bộ đã giữ vững chức năng là hạt nhân chính trị, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện ở cơ sở, có sự đổi mới về phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc.
Đồng thời coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên; lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương như: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, con nuôi, phát triển kinh tế hộ; xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả việc quản lý hành chính và xây dựng đô thị; đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng được tăng cường; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh… qua đó đã tạo được mối quan hệ giữa đảng bộ với nhân dân ngày càng gắn bó. Kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ hằng năm, tỷ lệ đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh ngày càng tăng. Đa số đảng viên ở các đảng bộ cấp xã đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Lụa, TUV, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng nêu ra một số hạn chế cần khắc phục đó là, vẫn còn một số đảng bộ xã, phường, thị trấn chưa thực sự coi trọng vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, chưa dành nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo xây dựng, củng cố TCCSĐ. Một số đảng bộ chưa nhận thức và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; chưa phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên có nơi chưa được quan tâm đúng mức, tính giáo dục, tính định hướng chiến đấu, tính thuyết phục chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng vận dụng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên ở một số đảng bộ vẫn còn hạn chế; sự lãnh đạo của cấp ủy trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức đảng còn lúng túng; công tác quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; công tác phát triển đảng viên đạt tỷ lệ chưa cao, nhất là vùng đồng bào có đạo, vùng cao, vùng sâu. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có nơi còn coi nhẹ. Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên hằng năm ở một số đảng bộ còn biểu hiện bệnh thành tích, chưa phản ánh đúng thực chất...
Cần có những giải pháp đồng bộ
Từ những kinh nghiệm từ cơ sở, những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, thời gian tới để củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, khoa học, dài hơi, mang tính thực tiễn cao. Trước hết các đảng bộ cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 9-4-2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương khóa X "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên"; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-4-2007 của Tỉnh ủy "Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH" và các quy định về chính sách thu hút, luân chuyển cán bộ về xã, phường, thị trấn nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp xã; phải sâu sát, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân, chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên có khả năng thu hút, vận động quần chúng, cán bộ có khả năng xử lý các tình huống phức tạp ở cơ sở, giải quyết những vấn đề về tư tưởng sao cho vừa đảm bảo tính nguyên tắc, vừa tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Một trong những giải pháp mang tính đột phá, lâu dài là không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá, kiểm tra, phân tích chất lượng đội ngũ đảng viên; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 9-2-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" nhằm góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên về số lượng, đồng thời coi trọng chất lượng, từng bước trẻ hóa đội ngũ của Đảng, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển Đảng, nhất là những đối tượng trẻ, học sinh, sinh viên trong các trường học, công nhân lao động trong các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và người có đạo. Bên cạnh đó, cần giữ vững nền nếp, cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp xã, định hướng mỗi loại hình chi bộ có nội dung và hình thức sinh hoạt cụ thể, phù hợp với yêu cầu, tính chất và điều kiện công tác, không máy móc rập khuôn; định kỳ các chi bộ tổ chức sinh hoạt theo chuyên để, chi ủy phân công đảng viên chuẩn bị ý kiến phát biểu trong sinh hoạt, trong sinh hoạt chi bộ có thể mời các đại biểu đại diện cho quần chúng cùng dự để có những ý kiến, góp ý, tham gia. Tổ chức các buổi sinh hoạt với hình thức thích hợp để cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng và quần chúng phê bình, góp ý cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Các nội dung sinh hoạt phải thiết thực, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở địa phương, địa bàn thôn (xóm, bản), tổ dân phố. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các đảng bộ thì vấn đề phát huy vai trò kiểm tra, giám sát và tham gia xây dựng Đảng của quần chúng nhân dân giữ một vai trò quan trọng. Các đảng bộ cần mở rộng dân chủ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho mọi người dân có thể tham gia góp ý xây dựng Đảng một cách hữu hiệu. Phải thông tin kịp thời và công khai để nhân dân biết rõ về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quyết định của Đảng bộ đối với những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng… có liên quan đến đời sống của nhân dân; các quyết định của Đảng về quản lý cán bộ, đảng viên; quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế thực hiện dân chủ ở xã, những quy định về quyền và trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên…
Quỳnh Thu