Từ khi triển khai Nghị định 55 của Chính phủ, Agribank Nho Quan đã rút ngắn thời gian thẩm định dự án, phương án, đơn giản thủ tục và đa dạng hóa hình thức cho vay nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Dương Đức Hạnh, giám đốc Agribank Nho Quan, chỉ tính riêng trong năm 2017, tổng dư nợ mà chi nhánh quản lý trên địa bàn đã đạt 871.176 triệu đồng, tăng 100.119 triệu đồng so với năm 2016. Trong đó tín dụng đối với hộ dân phát triển nông nghiệp và nông thôn là 780.731 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 89,6%/tổng dư nợ.
Trong đó, cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 68 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp đạt 5.191 triệu đồng. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ trên địa bàn có chiều hướng phát triển, trong đó có nhiều hộ đã mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Góp phần vào sự tăng trưởng tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thông phải kể đến vai trò của các tổ chức hội như nông dân, phụ nữ của huyện và UBND các xã, thị trấn. Từ sản xuất, chăn nuôi với quy mô nhỏ, đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao.
Qua công tác kiểm tra, giám sát của Agribank Chi nhánh huyện Nho Quan cùng các cấp hội, nhìn chung, đồng vốn được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích. Các cấp hội đã đoàn kết, giúp đỡ hộ gia đình, hội viên trong việc sử dụng vốn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Theo thống kê của Agribank Nho Quan cho thấy, đến năm 2017, toàn huyện đã có 221 tổ vay vốn với 4.895 thành viên có quan hệ tín dụng với Agribank Nho Quan và tổng dư nợ đạt được là 460.000 triệu đồng.
Trong đó, dư nợ do hội nông dân quản lý là 58,6 tỷ đồng với 664 thành viên; dư nợ do hội phụ nữ quản lý 198,4 tỷ đồng với 1971 thành viên; dư nợ cho UBND xã quản lý đạt 108,5 tỷ đồng với 1.020 thành viên; dư nợ cho các tổ chức khác quản lý đạt 94 tỷ đồng với 1.240 thành viên...
Nhằm giúp người dân ở các xã vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận nguồn vốn, đầu năm 2018, Agribank Nho Quan đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng. Đây là một việc làm thiết thực, hiệu quả để củng cố và phát triển tổ vay vốn, khuyến khích khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn, thực hiện bán chéo các sản phẩm dịch vụ tại điểm giao dịch, tạo điều kiện cho các hộ nông dân tiếp cận tốt hơn với dịch vụ ngân hàng.
Ông Dương Đức Hạnh, giám đốc Agribank Nho Quan cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank Nho Quan đang tiếp tục bám sát định hướng phát triển xã hội của huyện, của ngành; tập trung phát triển cho vay, đáp ứng cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu, có khả năng sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay và các dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng để phát triển kinh tế.
Cho vay nông nghiệp nông thôn phải gắn chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách tam nông, do đó Agribank Nho Quan đã thực hiện triệt để việc vay vốn thông qua các tổ vay vốn của hội phụ nữ, hội nông dân... chính vì thế Agribank Nho Quan cũng mong muốn chính quyền địa phương, các cấp hội hỗ trợ kịp thời cho nông dân về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công tác tìm đầu ra sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó tăng cường phối hợp với Agribank trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát vốn vay, đôn đốc, xử lý và thu hồi nợ đến hạn, quá hạn và nợ xấu nhất là những trường hợp vay tín chấp.
Với việc có nhiều giải pháp huy động nguồn vốn theo hướng tích cực, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn ở Nho Quan tiếp tục được đầu tư cho vay có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn đến các thành phần kinh tế trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nguyễn Thơm