Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện PBGDPL có chất lượng, hiệu quả. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL được tăng cường; hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã và đang phát huy hiệu quả, huy động được sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị thực hiện PBGDPL; nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL luôn được kiện toàn, phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng phổ biến pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến đã bám sát các chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đông đảo các tầng lớp nhân dân; hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật không ngừng được đổi mới, đa dạng và mang lại hiệu quả thiết thực; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên một bước; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu nại đông người, vượt cấp. Công tác PBGDPL đã ngày càng đi vào thực chất gắn với nhu cầu thiết thực của người dân, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện việc PBGDPL thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế cần khắc phục, đó là: cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác PBGDPL trong tình hình mới; các hình thức PBGDPL chưa phong phú, một số hình thức PBGDPL hiệu quả còn thấp, nhiều văn bản pháp luật mới chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân; đội ngũ báo cáo viên thường xuyên biến động, kỹ năng phổ biến pháp luật chưa cao, việc tập huấn, cung cấp tài liệu cho đội ngũ này chưa thường xuyên... Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án PBGDPL giai đoạn 2016-2020 với những giải pháp chủ yếu như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác PBGDPL, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của công tác PBGDPL đối với mỗi cấp, mỗi ngành và trong cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.
Sử dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Đầu tư, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện Đề án; lồng ghép việc thực hiện Đề án với các chương trình đề án khác ở địa phương; huy động sự đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác. Thực hiện kịp thời cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trong hoạt động PBGDPL nói chung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những hoạt động của Đề án nói riêng, đồng thời nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân thực hiện kém hiệu quả. Có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa cấp với ngành, ngành với ngành trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Nêu cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ trực tiếp chủ trì thực hiện Đề án và phối hợp thực hiện Đề án để chấn chỉnh, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án. Tiến hành sơ kết, tổng kết theo chuyên đề liên quan đến nội dung hoạt động của Đề án kết hợp với kết quả học tập, nghiên cứu công tác PBGDPL của các tỉnh, thành phố làm tốt để đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PBGDPL và đổi mới hình thức tuyên truyền, PBGDPL.
Đỗ Bằng