Thời gian qua, trường THPT Nho Quan B đặc biệt quan tâm tới công tác hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là những học sinh thuộc nhóm đối tượng có lực học trung bình trở xuống. Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, qua trao đổi, tiếp xúc với học sinh, nhiều em tâm sự rằng mặc dù có lực học "non", nhưng vì sự kỳ vọng của gia đình nên biết sẽ trượt nhưng các em vẫn phải "gắng gượng" đi thi. Hơn nữa, học xong mà không đi thi thì các em cũng chưa biết phải học gì, làm gì. Từ thực tế đó, một mặt nhà trường đã gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh học sinh để các gia đình thấy được năng lực thực tế của con em mình, trên cơ sở đó, xác định cho các em hướng đi đúng đắn, phù hợp. Mặt khác, nhà trường mời đại diện của một số sstrường dạy nghề có chất lượng như: Cao đẳng nghề Lilama, Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Tam Điệp... về trực tiếp tư vấn, phân tích cho học sinh và các bậc phụ huynh hiểu rõ về các vấn đề như: xã hội đang cần những lao động như thế nào? học nghề nào cho phù hợp với khả năng của các em và phù hợp với xu thế của thời đại?... Sự thiết thực của các buổi tư vấn này đã được phụ huynh và học sinh đón nhận và bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh và phụ huynh đối với việc học cao đẳng nghề.
Cách làm của Trường THPT Nho Quan B là phương pháp hướng nghiệp nổi bật mà các trường THPT trên địa bàn tỉnh nên tham khảo nhằm sớm phân loại, định hướng cho học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề. Tuy nhiên, đánh giá của các ngành chức năng, thì đa số học sinh và các bậc phụ huynh đều mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT sẽ được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Bởi lẽ, con đường đi từ THPT tới đại học, cao đẳng ngày càng được rút ngắn. Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng năm, số học sinh của các trường THPT có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng đều chiếm gần 60%.
Như vậy, vấn đề đặt ra là công tác tư vấn hướng nghiệp cần phải được thực hiện sớm hơn nữa. Chỉ thị số 10-CT/T.Ư ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết số 29-NQ/T.Ư cũng đã có nội dung "Tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở" . Theo đó, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được thực hiện vào 4 luồng chính: Học tiếp lên THPT, học lên Trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp lên THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên kết quả của việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt được kết quả như mong đợi. ở tỉnh ta, luồng học lên THPT hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, trong khi đó luồng học lên trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề còn quá nhỏ. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013-2014, số học sinh tốt nghiệp THCS là 10.934 học sinh, trong đó số học sinh theo học THPT là 7.943 học sinh (chiếm 72,6%), số học sinh học tại các TTGDTX là 1.197 học sinh (chiếm 10.94%), số học sinh vào học Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp chỉ có 1.072 học sinh (chiếm 9,8%), số lao động sản xuất chiếm khoảng 6%. Bước vào năm học 2014-2015, cơ cấu tỷ lệ đã có sự thay đổi nhẹ. Số học sinh tốt nghiệp THCS là 11.905 học sinh trong đó số học sinh theo học THPT là 8.078 học sinh (chiếm 67,85%), số học sinh học tại các TTGDTX là 1.056 học sinh (chiếm 8,9%), số học sinh học Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp là 982 học sinh (chiếm 8,2%), số lao động sản xuất khoảng 8%. Có thể dễ nhận thấy, tỷ lệ học sinh học lên THPT đã giảm nhẹ, tuy nhiên, các trường Trung cấp nghề và Trung cấp chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự "hút" được lượng học sinh này, bởi tỷ lệ học sinh đăng ký học nghề thậm chí còn giảm nhẹ so với năm học trước và tăng tỷ lệ học sinh nghỉ học, tham gia lao động sản xuất.
Lý giải về thực trạng này và con số trên 40% số học sinh tốt nghiệp THPT không xét tuyển đại học nhưng cũng không tham gia học nghề, ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô nói: Hiện nay, các trường dạy nghề không chỉ cạnh tranh với các trường đại học, cao đẳng để "dành" học sinh mà còn một "đối thủ" lớn khác đó chính là các doanh nghiệp. Hiện, các doanh nghiệp cũng tăng cường tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo để sử dụng với hình thức cầm tay chỉ việc. Tuy dưới hình thức này, học sinh sẽ không mất thời gian đi học nghề mà có thể có thu nhập ngay từ lúc vừa học, song xét về lâu dài thì người lao động không được đào tạo sẽ không có nghề chắc chắn, thu nhập sẽ không cao và công việc sẽ phụ thuộc, bấp bênh. Trong khi đó, nếu chỉ mất vài năm học nghề thì mức lương của người lao động sẽ khác hẳn, thậm chí cơ hội việc làm của các em cũng nhiều hơn. Đây là điều mà các bậc phụ huynh và học sinh nên cân nhắc.
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả của việc phân luồng học sinh sau THCS, những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thực hiện không ít các giải pháp cụ thể, bước đầu cho hiệu quả tích cực. Cụ thể: tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp và các môn học liên quan ở THCS, tuyên truyền xóa bỏ tâm lý mặc cảm cho những người lựa chọn con đường đi thẳng từ THCS vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề hoặc vừa làm vừa học theo chương trình giáo dục thường xuyên; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của riêng ngành Giáo dục thôi vẫn chưa đủ mà đòi hỏi có sự hưởng ứng, đồng thuận của xã hội, đặc biệt là từ phía học sinh và phụ huynh trong việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình và phải có sự thay đổi cách nhìn nhận của học sinh về việc học đại học, giúp các em thấy được việc học đại học không phải là cách duy nhất để lập thân, lập nghiệp.
Đào Hằng