Tại trường THCS Lê Quý Đôn (thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh), nhiều năm học qua nhà trường đã quan tâm thực hiện các hoạt động giáo dục thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với lứa tuổi. Nhà trường rất coi trọng công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm trong sáng cho học sinh, thông qua việc tổ chức các cuộc thi viết, vẽ về môi trường, viết thư UPU, thi tìm hiểu Luật An toàn giao thông, tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, tìm hiểu về Đoàn-Đội.
Cùng với việc tổ chức các cuộc thi, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hình thức hoạt động giáo dục hấp dẫn, phù hợp với tâm lý học sinh theo chủ đề, chủ điểm như: hoạt động văn nghệ, thể thao, cắm trại, trò chơi dân gian, cắm hoa, trang trí lớp sạch đẹp. Nhân các dịp ngày lễ, kỷ niệm, toàn trường còn sôi nổi trong phong trào thi đua chào mừng các sự kiện trong năm: "Dành nhiều điểm tốt tặng mẹ, tặng cô" nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10; "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12; "Chăm học, chăm làm, kính yêu Bác Hồ" nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5; "áo trắng tặng bạn", "Ngày vì người nghèo"…
Bên cạnh đó, để giúp các em học sinh tìm hiểu và nâng cao ý thức về truyền thống quê hương, đất nước, nhà trường còn phát động học sinh toàn trường nhận và chăm sóc khu di tích lịch sử đền Triệu Việt Vương tại khu Đông, thị trấn Yên Ninh. Hàng tháng, các em học sinh thay phiên nhau đến quét dọn, chăm sóc khu di tích, góp phần làm cho khu di tích lịch sử ngày càng sạch, đẹp hơn. Qua mỗi lần đến chăm sóc khu di tích giúp các em hiểu sâu sắc về truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, có thể giới thiệu, tuyên truyền với mọi người và khách du lịch về những nét đặc sắc, giá trị văn hóa của khu di tích lịch sử đền Triệu Việt Vương…
Do quan tâm thực hiện tốt một số hoạt động giáo dục trong nhà trường nên nhiều năm qua trường THCS Lê Quý Đôn đã góp phần giáo dục học sinh thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, được cụ thể hóa bằng thực hiện các nội quy của nhà trường. Hàng năm, nhà trường không có học sinh xếp loại đạo đức yếu, loại trung bình giảm dần, loại tốt và khá đạt từ 99% trở lên.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về "Tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục- đào tạo", Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có công văn chỉ đạo các nhà trường, cơ sở giáo dục quan tâm triển khai thực hiện tốt một số hoạt động: hát quốc ca, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, thực hiện các nội dung phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", vệ sinh môi trường, lao động tập thể, giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền, giáo dục và trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng phòng tránh đuối nước, tai nạn giao thông và tai nạn thương tích…
Những năm học qua, các nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt việc phổ biến nội dung các hoạt động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh; tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội và các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; lồng ghép các nội dung "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các nhà trường. Nhằm giáo dục học sinh một cách toàn diện, giúp các em có thêm kiến thức về môi trường xung quanh, kiến thức xã hội…
Nhiều trường học còn tổ chức cho học sinh tìm hiểu về xây dựng cảnh quan sư phạm và môi trường thân thiện thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và vui chơi lành mạnh; Tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương; Tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu một số cơ sở nghề thủ công truyền thống trên địa bàn địa phương…
Qua việc tổ chức một số hoạt động giáo dục trong nhà trường cho thấy đây là những hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý học sinh, gắn với thực tế của địa phương, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình rèn luyện, học tập của mỗi học sinh, làm cho các em nhận thức rõ "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Đặc biệt, từ năm học 2014- 2015 này, thực hiện Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho trẻ mầm non nghe quốc ca, các trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non đang chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên xây dựng nội dung cho trẻ nghe Quốc ca lồng ghép vào kế hoạch giáo dục theo chủ đề năm học trên cơ sở đảm bảo phù hợp với độ tuổi, giúp trẻ bước đầu cảm nhận giai điệu hào hùng, trang nghiêm của Quốc ca, khơi gợi ở trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Giáo viên tổ chức trò chuyện, giới thiệu về nội dung Quốc ca; cho trẻ nghe nhạc, nghe hát Quốc ca qua băng, đĩa hoặc giáo viên hát Quốc ca cho trẻ nghe. Có thể khuyến khích trẻ hát Quốc ca thông qua các hoạt động thể dục sáng, hoạt động học, hoạt động chiều…
Bên cạnh đó, việc giáo dục trẻ mầm non thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy cũng được chú trọng ở bậc mầm non. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của lớp, giáo viên tổ chức trò chuyện, giới thiệu, giảng giải, cho trẻ làm quen với nội dung 5 điều Bác Hồ dạy, cho trẻ đọc 5 điều Bác Hồ dạy, giáo dục trẻ kính yêu Bác Hồ, bước đầu giúp trẻ biết ý nghĩa và tập làm theo nội dung 5 điều Bác Hồ dạy phù hợp với độ tuổi mầm non…
Những hoạt động giáo dục kể trên, khi được quan tâm thực hiện thường xuyên chắc chắn sẽ giúp lứa tuổi mầm non, thiếu niên, nhi đồng từng bước lớn lên với sự phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể lực và đạo đức, lối sống.
Bùi Diệu