Trong khi một số tỉnh, thành phố trên toàn quốc lúng túng trong việc lựa chọn duy trì hay giải thể mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (gọi chung là chi bộ cơ quan cấp xã) thì ở Ninh Bình, nhờ cách làm mới và linh hoạt, mô hình này không những được duy trì mà còn từng bước được nâng cao về chất. Hoạt động thực sự hiệu quả, mô hình chi bộ cơ quan cấp xã đã khẳng định vai trò hạt nhân chính trị ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên công chức cấp xã, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Từ những hạn chế, yếu kém
Thực hiện Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức Trung ương, đến tháng 1/2008, toàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn thành lập chi bộ cơ quan. Việc thành lập chi bộ cơ quan cấp xã được xem là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí nơi sinh hoạt Đảng đối với những đảng viên là cán bộ, công chức không phải là người địa phương (cán bộ điều động, luân chuyển, ở xa). Đồng thời, thực hiện tốt chức năng quản lý đảng viên, phát triển đảng viên... Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy, nhiều chi bộ cơ quan cấp xã còn vướng mắc về nội dung, phương thức hoạt động.
Một trong những bất cập của những ngày đầu mới thực hiện mô hình, đó là nội dung sinh hoạt của không ít chi bộ cơ quan cấp xã còn nặng về đánh giá công tác chuyên môn, có khi còn trùng lắp với nội dung sinh hoạt của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Bên cạnh đó, còn một bộ phận đảng viên sinh hoạt ở cơ quan có biểu hiện quan liêu, xa rời nơi cư trú, do chưa thực hiện tốt việc giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú theo Quy định 76 của Bộ Chính trị...
Đồng chí Phạm Ngọc Vui, Bí thư chi bộ xóm 2, xã Khánh Công (Yên Khánh) cho biết: Trước đây, khi một số đảng viên là cán bộ, công chức xã rút về sinh hoạt tại chi bộ cơ quan, ở thôn chỉ còn lại một số đảng viên cao tuổi nên "sức trẻ" và tinh thần phê bình và tự phê bình còn hạn chế. Công tác thông tin, phản ánh trực tiếp hai chiều giữa chi bộ thôn và đảng viên công chức xã vì thế không thường xuyên, nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ, bởi những băn khoăn, thắc mắc của đảng viên nông thôn, của người dân trong thôn chưa được giải quyết kịp thời... Không những thế, việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên công chức cấp xã ở chi bộ khi họ về sinh hoạt nơi cư trú cũng chỉ là hình thức, chiếu lệ. Điều này làm cho khoảng cách giữa cán bộ công chức cấp xã và nhân dân ngày càng xa, không nắm bắt được diễn biến tư tưởng nhân dân để tham mưu với Đảng ủy có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động.
Trong sinh hoạt chi bộ cơ quan cấp xã, một số nơi vẫn còn tình trạng e dè, nể nang, ngại góp ý xây dựng. Đồng chí Phạm Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Công cho rằng: Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi ở chi bộ cơ quan xã, nhiều người vẫn còn tư tưởng sợ bị "trù dập" vì đảng viên trong chi bộ là cấp trên của mình thì làm sao giám nhận xét, đánh giá. Trong khi đó, một số đảng đảng viên trẻ vẫn còn ngại va chạm nên thường không mạnh dạn phát biểu ý kiến. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của cấp ủy mờ nhạt, đảng viên ngại đấu tranh tự phê bình và phê bình"...
Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Xuất phát từ thực tế trên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai mô hình chi bộ cơ quan cấp xã, trên cơ sở đó kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập. Năm 2014, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 12 về việc tổ chức giao ban cụm xã, phường, thị trấn và phân công đảng viên chi bộ cơ quan xã về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố. Theo đó nguyên tắc phân công và quyền hạn của đảng viên thuộc chi bộ cơ quan cấp xã về dự sinh hoạt với chi bộ thôn được quy định một cách chặt chẽ, khoa học, phát huy được ưu điểm nổi trội của mô hình. "Quá trình thực hiện không áp đặt, cứng nhắc mà các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để có cách làm linh hoạt, tạo động lực phát triển cho mô hình nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định. Đây là cách làm mới, khắc phục được tình trạng đảng viên chi bộ cơ quan cấp xã xa dân. Và trên thực tế đã phát huy hiệu quả thiết thực trong những năm qua ở Đảng bộ tỉnh Ninh Bình"- đồng chí Trương Đức Lộc khẳng định.
Đến những cách làm linh hoạt, sáng tạo
Với mục tiêu xây dựng mô hình chi bộ cơ quan cấp xã ngày càng phát triển, có quy định rõ ràng, cụ thể, có tính đột phá để cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động, năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1632 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của chi bộ cơ quan cấp xã. Trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Quy định 1632 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các chi bộ cơ quan cấp xã đã tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; xác định rõ mối quan hệ công tác với đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các chi bộ trực thuộc đảng ủy cấp xã.
Đồng chí Bùi Ngọc Quang, Phó Bí thư Huyện ủy Gia Viễn cho biết: xác định vấn đề mấu chốt trong đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ quan cấp xã, việc làm trước tiên là phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của chi bộ. Gia Viễn đã chú trọng triển khai các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đồng thời tập trung chỉ đạo các chi bộ cơ quan xã lựa chọn đội ngũ Bí thư chi bộ phải là những người có trình độ, bản lĩnh và kỹ năng công tác Đảng, thể hiện rõ vai trò "cầm trịch", nêu gương trong mọi hoạt động.
Theo đó, các chức danh Bí thư, Phó bí thư, chi ủy viên chi bộ là các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể xã. Để khắc phục tình trạng e dè, nể nang, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Viễn yêu cầu, trong sinh hoạt chi bộ cơ quan cấp xã cần tập trung vào xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi trọng công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực.
Đa số chi bộ cơ quan xã, thị trấn đã thường xuyên quan tâm đến nội dung sinh hoạt chính trị tư tưởng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một trong những nét nổi bật đó là 100% các chi bộ cơ quan xã, thị trấn đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong cơ quan, từ đó giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, 100% chi bộ cơ quan cấp xã trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện việc phân công đảng viên định kỳ hằng tháng về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Bí thư chi bộ cơ quan xã Gia Vân cho biết: chi bộ cơ quan xã hiện có 23 đảng viên, thực hiện Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chi bộ đã phân công 3 đảng viên về dự sinh hoạt với 1 chi bộ thôn. Do số lượng đảng viên chi bộ cơ quan xã đông và chi bộ thôn xóm ít nên có 2 chi bộ thôn có 4-6 đảng viên chi bộ cơ quan xã cùng dự sinh hoạt. Để tránh tình trạng "lối mòn" trong sinh hoạt, hằng quý, chi ủy chi bộ cơ quan cấp xã đã xem xét và xin ý kiến Thường trực Đảng ủy xã để "đảo" các đảng viên chi bộ cơ quan xã sinh hoạt tại các thôn, xóm, phấn đấu trong nhiệm kỳ, đảng viên nào trong chi bộ cũng được về 100% các thôn, xóm để dự sinh hoạt chi bộ. Việc làm này tạo điều kiện cho cán bộ, công chức không chỉ nắm được tình hình ở nơi cư trú, mà còn có điều kiện dự sinh hoạt với nhiều chi bộ dân cư khác để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của đảng viên, quần chúng ở thôn, xóm, khu phố và những vấn đề bức xúc ở địa phương, đề xuất với chi bộ cơ quan xã, với đảng ủy, chính quyền những vấn đề nảy sinh cần chỉ đạo giải quyết.
Cùng với Gia Vân, hiện nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều duy trì mô hình chi bộ cơ quan cấp xã và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, góp phần củng cố và xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh.
Đinh Ngọc