Để phong trào đạt được hiệu quả cao, các địa phương trong tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng các cuộc vận động như: "Xây dựng gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa"; đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Đồng thời xây dựng kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, từng bước đưa nội dung của cuộc vận động vào cuộc sống. Những nội dung, mục tiêu, giải pháp thực hiện cuộc vận động đã được đưa vào nghị quyết của từng đảng bộ, chi bộ. Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả.
Việc xây dựng làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến đã được gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: Thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ; phòng, chống ma túy, các tệ nạn xã hội; các vấn đề môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Tại các khu dân cư đã thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB "Gia đình văn hóa", CLB thể thao, CLB tiền hôn nhân..., thu hút đông đảo người dân tham gia. Các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Hội CCB, Hội nông dân đã tổ chức cho hội viên ký cam kết xây dựng gia đình không có bạo lực, không có thành viên vi phạm pháp luật... Từ đó, các hội viên đã trở thành những tuyên truyền viên đắc lực cho công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thực hiện lồng ghép các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với cuộc vận động, các địa phương đã tích cực xây dựng các mô hình tự quản.
Hiện toàn tỉnh đã có trên 1.600 tổ tự quản, tổ hòa giải ở các khu dân cư. Quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhiều địa phương bước đầu đã tổ chức và duy trì mô hình đám cưới theo nếp sống mới như: Đám cưới, đám tang không thuốc lá, không tổ chức dài ngày, không ăn uống linh đình, phô trương. Nhiều đám cưới đã được tổ chức ngay tại trụ sở UBND xã, phường hoặc nhà văn hóa các thôn, khu dân cư, vừa thể hiện sự trang nghiêm, vừa tiết kiệm, không gây lãng phí cho hôn chủ.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 4 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện; 57 nhà văn hóa xã, phường; 1.054 nhà văn hóa thôn, xóm, đáp ứng nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng của đông đảo quần chúng nhân dân. Các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng ở từng thôn, bản, khu dân cư, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị. Nếp sống mới được phổ biến rộng rãi, tình cảm, đạo đức của con người cũng được nâng cao, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt, những năm gần đây, khi đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì việc luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của đại đa số người dân. Phong trào tập thể dục buổi sáng, đi bộ buổi tối, luyện tập bóng đá, cầu lông, bóng bàn, chơi tennis, tập dưỡng sinh... đã trở thành thói quen, nếp sống hàng ngày của nhiều người, góp phần nâng cao sức khỏe, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hạn chế các tệ nạn xã hội.
Các xã, phường, thị trấn đã quy hoạch đất dành cho xây dựng sân chơi thể thao phổ thông và các điểm vui chơi. Hiện toàn tỉnh có 500 CLB, nhóm luyện tập thể thao thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh có 19% gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên chiếm tới 24%. Việc bình xét, lựa chọn gia đình văn hóa, làng văn hóa được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong năm 2008, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã quyết định đưa 72 làng ra khỏi danh sách làng văn hóa sau 3 năm không giữ vững được tiêu chuẩn. Điều này thể hiện tính công bằng, khách quan và đồng thời cũng nhắc nhở những nơi đã đạt danh hiệu văn hóa phải phấn đấu duy trì danh hiệu bởi xây dựng được đã khó nhưng giữ vững danh hiệu còn khó hơn.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 953/1.661 làng đạt danh hiệu làng văn hóa (chiếm tỷ lệ 57,4%), tăng 14,7% so với năm 2007; 55,1% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu "Cơ quan văn hóa". Khi kinh tế ổn định, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua của mọi người, mọi nhà, các tai, tệ nạn xã hội giảm nhiều, an ninh trật tự ở khu dân cư luôn được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 188 nghìn hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", chiếm tỷ lệ 80,9%, tăng 1,3% so với 2 năm trước.
Có thể thấy, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh đã đi vào cuộc sống, qua đây, các cấp ủy, chính quyền đã thấy được tác dụng quan trọng của phong trào, đó là tạo tinh thần đoàn kết trong nhân dân cùng giúp nhau phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Điều đáng nói là phong trào đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh, tiến bộ, văn minh, từng bước nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh.
Mai Lan-Phạm Trường