Đối với Ninh Bình, trong những năm qua thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giáo dục để người dân thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân. Nhờ đó tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch ngày càng tăng; môi trường nông thôn được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Tính đến năm 2011, toàn tỉnh đã xây dựng mới và đưa vào khai khác sử dụng được 77 công trình cấp nước sạch tập trung, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 321 nghìn người; nâng tỷ lệ số dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung lên 45,81%. Tính riêng trong năm 2011, đã đưa vào hoạt động 2 công trình (tại xã Yên Từ - Yên Mô và Đức Long-Nho Quan). Bên cạnh đó là hàng nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ được xây mới, cải tạo, nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có gần 35 nghìn giếng đào, trên 33 nghìn giếng khoan và gần 2 nghìn lu và bể chứa nước mưa hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ là gần 38%, tương đương với 266 nghìn người, tăng 0,42% so với năm 2010. Riêng đối với 25 xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới, đã có 11 xã được xây dựng trạm cấp nước quy mô toàn xã.
Qua rà soát Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tổng hợp nhanh số liệu sơ bộ, kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: có 83,73% dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QC02 Bộ Y tế là 45,81% (tương đương 321.425 người), tăng 0,81% so với năm 2010, tỷ lệ số trường học có nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh là 93,7%, tỷ lệ trạm y tế xã có nước hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh là 92,7%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 72%.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng trên thì hiện nay chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Trước tiên là vấn đề rác thải nông thôn. Nếu như ở các đô thị lớn, trung bình một người thải ra 1kg rác/ngày thì tại nông thôn, lượng rác thải ra của mỗi người dân cũng vào khoảng 0,6-0,7 kg rác/ngày. Như vậy, với khoảng 701 nghìn dân đang sống ở các vùng nông thôn trong tỉnh, mỗi ngày sẽ có khoảng 420 tấn rác thải cần được xử lý, thu gom. Tuy vậy, trong 123 xã của tỉnh thì chỉ có trên dưới 20 xã tổ chức được các tổ thu gom rác thải, việc xử lý sau thu gom cũng chưa triệt để. Hiện nay chủ yếu người dân tự xử lý rác bằng cách đào hố chôn, đốt hoặc thải bừa bãi ra các sông, ao, hồ.
Chăn nuôi gia súc không được quy hoạch và bố trí hợp lý cũng là nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường. Theo số liệu điều tra, trong tổng số hơn 70 nghìn hộ chăn nuôi thì chỉ có 27 nghìn hộ có chuồng trại hợp vệ sinh (chiếm gần 39%), còn lại đa phần đều không đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ khu chăn nuôi đến khu ở và các công trình cấp nước, nước thải chăn nuôi không được thu gom và xử lý theo quy định. Tại các vùng có làng nghề tiểu thu công nghiệp phát triển thì vấn đề môi trường càng trở nên bức xúc hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và cảnh quan nông thôn. Vệ sinh môi trường hiện nay không còn là vấn đề của mỗi cá nhân. Do vậy, để bảo vệ môi trường chúng ta cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Ông Tống Xuân Toán, Chi cục phó Chi cục phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn đang ở mức báo động do việc xử lý chất thải, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và ô nhiễm làng nghề... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân các vùng nông thôn thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh. Để cải thiện mức độ ô nhiễm, biện pháp quan trọng nhất vẫn là thông qua vận động cộng đồng để thay đổi thói quen xả rác tùy tiện của người dân. Giải pháp này không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay mà còn có tính chiến lược, lâu dài. Cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới, đồng thời cung cấp dịch vụ thu gom rác thải thuận tiện cho người dân. Mặt khác, để thu gom rác có hiệu quả, cần phải có phương tiện, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Những vùng chưa tổ chức được lực lượng, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng khu đất vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như túi ni-lông, các loại bao bì bằng nhựa.
Trên thực tế, địa phương nào biết kết hợp nhiều nguồn lực hỗ trợ, phát huy sức mạnh nội lực thì chương trình đạt kết quả ngoài sự mong đợi. Điển hình như tại xã Yên Thắng (huyện Yên Mô), vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã trở thành mối quan tâm không chỉ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể mà còn kêu gọi được sự hưởng ứng tích cực của người dân và được đưa vào quy định cụ thể trong hương ước, quy ước của từng thôn, xóm. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các đoàn thể khác có trách nhiệm tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về nguồn nước bẩn, sự ô nhiễm của rác thải, tích cực tham gia thu gom rác thải và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn. Ngoài ra, xã còn xây dựng một khu thu gom rác thải tập trung, thành lập đội thu gom rác thải do hội viên Hội Phụ nữ đảm nhiệm, đồng thời tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh. Nhờ đó, tình hình môi trường ở Yên Thắng được cải thiện đáng kể.
Hà Phương