Thông qua giám sát giúp các vị ĐBQH tiếp cận, nắm tình hình thực tế, nhất là những vấn đề khó khăn, bất cập, những đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống để tham gia thảo luận, quyết định tại Quốc hội. Sau các cuộc giám sát, Đoàn đã có kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những vấn đề về cơ chế, chính sách để thực hiện tốt những nội dung đã giám sát; kiến nghị với các cơ quan quản lý, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế.
Để công tác giám sát, khảo sát đạt chất lượng, hàng năm, ngay từ đầu năm căn cứ Kế hoạch giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và tình hình thực tế ở địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, lập kế hoạch giám sát, lựa chọn hợp lý các vấn đề cần đưa vào chương trình giám sát. Nhìn chung, nội dung giám sát của Đoàn trong nhiệm kỳ khóa XIII đã được lựa chọn sát thực, tập trung vào những vấn đề trọng tâm của xã hội, những bức xúc được dư luận quan tâm.
Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt 13 cuộc giám sát chuyên đề: Giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật người có công với cách mạng từ năm 2005 - 2011; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012; Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012; thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Tình hình thực hiện Nghị quyết 494/NQ-UBTVQH13 và bước đầu thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014; Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ, Đoàn đã tham gia phối hợp thực hiện 12 cuộc giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại địa phương; tham gia cùng Thường trực HĐND tỉnh 5 cuộc giám sát. Các đại biểu Quốc hội trong Đoàn là thành viên các ủy ban của Quốc hội còn tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình của các ủy ban, tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và tại các phiên họp do ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Các cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh được chuẩn bị kỹ về nội dung, điều kiện phục vụ và nhận được sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Phương thức tổ chức hoạt động giám sát luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, phát huy trí tuệ của các vị ĐBQH trong Đoàn; nội dung giám sát vừa mang tính vĩ mô, vừa gắn với các vấn đề bức xúc cuộc sống đang đặt ra. Thông qua các cuộc giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội 65 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi những bất cập trong chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đồng thời, gửi tới UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh 52 nhóm ý kiến, kiến nghị về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực này tại địa phương nhằm phát huy các kết quả tích cực, xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật.
Đặc biệt, thực hiện quyền giám sát tối cao tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu trong Đoàn tích cực nghiên cứu, thu thập thông tin tham gia phát biểu chất vấn tại hội trường, chất vấn trực tuyến tại các phiên họp ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số đại biểu gửi phiếu chất vấn đến các Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ để chất vấn những vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm. Trong nhiệm kỳ, đã có trên 120 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường được cử tri và nhân dân quan tâm, như: Về tình hình kinh tế-xã hội, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; hiệu quả của các dự án đầu tư công; hàng tồn kho của doanh nghiệp; xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, các dự án luật... Đồng thời có trên 300 lượt ý kiến phát biểu tại tổ.
Các ý kiến phát biểu có cơ sở lý luận, thực tiễn, thể hiện tâm tư, nguyện vọng và nhận được sự đồng tình của cử tri, nhất là cử tri trong tỉnh, nhiều ý kiến được các cơ quan soạn thảo xem xét, tiếp thu. Bên cạnh đó, Đoàn đã thực hiện việc chất vấn đối với một số Bộ, ngành về những vấn đề cử tri quan tâm (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao...). Các ý kiến chất vấn đều được các Bộ, ngành có liên quan trả lời trực tiếp, đồng thời có văn bản trả lời, thông báo kết quả giải quyết.
Những kết quả đạt được trong công tác giám sát, khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trên nhiều lĩnh vực, thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh.
Đức Nghĩa