Kết quả là đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, hệ thống giáo dục đã được hoàn thiện và nâng lên một bước, đã thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, quy mô trường, lớp các cấp học phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục không ngừng được đầu tư, nâng cấp qua từng năm theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 88,6%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 96,2%, (trong đó trường Tiểu học và THCS mức độ 1 đạt 100%; có 141/143 xã, phường, thị trấn có 100% các trường học đạt chuẩn quốc gia). Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường cao, độ tuổi nhà trẻ đạt 36,3% dân số độ tuổi, độ tuổi mẫu giáo đạt 95,5% dân số độ tuổi; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,9%...
Ninh Bình là một trong số ít tỉnh sớm đạt công tác phổ cập và xóa mù chữở mức độ cao nhất. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn về đào tạo là 93,7%, trong đó đạt trên chuẩn là 33%.
Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên. Công tác quản lý giáo dục được đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quyền chủ động cho cơ sở, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh.
Tổ chức các kỳ thi, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, tạo được sự đồng thuận, niềm tin trong nhân dân và khẳng định vị thế giáo dục Ninh Bình ngày càng vững chắc.
Đặc biệt, trong mấy năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội trong đó có ngành giáo dục và đào tạo, song được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các trường học trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiệm vụ năm học, tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp, kết hợp học trực tuyến khi dịch bùng phát nên vẫn bảo đảm được yêu cầu của chương trình. Kết quả giáo dục đào tạo trong nhiều năm qua là tỉnh Ninh Bình liên tục đứng trong tốp dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, (trong đó 10 năm trở lại đây luôn nằm trong top 10 và 5 năm liền gần đây đứng thứ 3).
Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học tiếp tục "vượt khó", đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đã có 256 học sinh đạt giải học sinh giỏi THPT cấp tỉnh; 653 học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi, học viên giỏi lớp 12 cấp tỉnh; 45 học sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Ninh Bình xếp thứ 2 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, (8/9 môn thi có điểm trung bình nằm trong top 10, trong đó có 7 môn thi có điểm trung bình tăng bậc và nằm trong top 4 của cả nước; có học sinh là thủ khoa toàn quốc kỳ thi với 56,85điểm)...
Những thành tựu và kết quả giáo dục đào tạo đạt được trên đây ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ thầy và trò các cấp học trong tỉnh, đã phát huy được truyền thống hiếu học, khát vọng vươn lên cùng với sự quan tâm chăm lo, đầu tư của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tuy vậy, thời gian tới, ngành giáo dục đào tạo Ninh Bình vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tương xứng với sự quan tâm, chăm lo đầu tư của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và trong mỗi gia đình, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của quê hương, đất nước. Tiếng trống khai trường của năm học mới 2022-2023 đã chính thức vang lên.
Cùng với cả nước, các thầy, cô giáo và gần 250.000 các cháu học sinh của tỉnh Ninh Bình vui mừng, náo nức khi bước vào năm học mới. Đây là năm học dự báo sẽ diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn năm học trước, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, ít có khả năng ảnh hưởng đến việc dạy và học. Chủ đề năm học 2022- 2023 là "đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo".
Do vậy, các cơ quan quản lý giáo dục và trong từng đơn vị nhà trường cần đặt ra mục tiêu là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới để đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tương xứng với tiềm năng của ngành và sự đầu tư của toàn xã hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cùng với các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các văn bản liên quan.
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nói chung và thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh Ninh Bình nói riêng. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trong và ngoài nhà trường.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và lộ trình xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia các cấp học, phấn đấu 100% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2025.
Nguyễn Đông