Đến nay, cấp tỉnh có 87 báo cáo viên pháp luật, trong đó 100% có trình độ cử nhân Luật và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, một số sở, ngành còn xây dựng được đội ngũ báo cáo viên để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân viên của sở, ngành mình.
Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật trong các cơ sở giáo dục theo quy định. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở.
Đến nay, cấp huyện có 230 báo cáo viên pháp luật, 820 tuyên truyền viên pháp luật, 1.693 tổ hòa giải với 10.349 hòa giải viên cơ sở, trong năm có gần 50% hòa giải viên được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải.
Bên cạnh việc rà soát, tham mưu kiện toàn về số lượng, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương được thực hiện thường xuyên, định kỳ.
Trong những năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho 400-500 lượt báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế các sở, ngành của tỉnh; trưởng, phó phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Phối hợp với Hội đồng phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho hơn 2.540 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở.
Trong năm 2017, biên soạn trang bị 2 tập đề cương với 24 đề cương giới thiệu các văn bản pháp luật mới, cấp phát 900 đầu sách pháp luật cho 87 báo cáo viên cấp tỉnh; rà soát, bổ sung 2.610 đầu sách pháp luật cho Tủ sách pháp luật của 145 xã, phường, thị trấn, mỗi tủ sách pháp luật 18 đầu sách; xuất bản 3 số Bản tin Tư pháp (với 3.000 cuốn).
Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh và hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới có hiệu lực năm 2016 và năm 2017 được dư luận xã hội quan tâm, các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân như Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hộ tịch và các văn bản về phát triển kinh tế gắn với an ninh-quốc phòng, môi trường, an toàn giao thông...
Hình thức PBGDPL đã được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm... Riêng trong năm 2017, các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức 5.360 hội nghị, tọa đàm, đối thoại chính sách, thu hút 323.878 lượt người tham dự; tổ chức 6 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 14.791 lượt người tham dự; cấp phát 70.243 tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật...
Một số sở, ngành, đoàn thể ở tỉnh đã có hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả như trao đổi, đối thoại chính sách, pháp luật giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội với người dân (Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động...); đưa việc học tập pháp luật vào chương trình giáo dục chính trị toàn quân (Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh); lồng ghép vào việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ".
Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã phối hợp xây dựng các chuyên mục về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Tủ sách pháp luật, được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng thông qua các chuyên mục, chuyên đề "Pháp luật và cuộc sống", "Cải cách hành chính", "Dân hỏi - Thủ trưởng các cơ quan chức năng trả lời", tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chính sách BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp…
Từ việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quan tâm, chú trọng, tăng cường.
Nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đối tượng, địa bàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, hòa giải ở cơ sở ngày càng chặt chẽ, thường xuyên…
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo thói quen tự giác học tập pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, hạn chế, kéo giảm tội phạm và các vi phạm pháp luật.
Trần Dũng