Tìm về thôn Liên Huy, xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn), hỏi thăm vào nhà bà Nguyễn Thị Sót thì ai cũng biết. Thật đơn giản, bởi từ gần 20 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, người phụ nữ nhỏ bé ấy với chiếc xe đạp "cà tàng" đã rong ruổi đến mọi ngóc ngách, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng trong xóm để vận động sinh đẻ có kế hoạch… Bởi thế, mà với mỗi gia đình ở xóm 3, bà Sót gần gũi tựa như một thành viên. Khi chúng tôi đến, bà Sót đang chuẩn bị tài liệu để chuẩn bị đi vận động. Bà Sót cho biết: Đối tượng vận động của chúng tôi ngày càng mở rộng vì không chỉ những gia đình sinh con một bề mới có ý định sinh thêm con thứ 3, mà ngay cả những gia đình "đủ nếp, đủ tẻ" rồi vẫn muốn sinh thêm con. Bởi vậy, ngoài việc sâu, sát với mọi gia đình để nắm được tình hình, tư tưởng của các gia đình, các cộng tác viên dân số phải kiên trì, khéo léo tiếp cận đối tượng để thực hiện tuyên truyền bằng nhiều biện pháp khác nhau. Theo đó, bà Sót tranh thủ truyền thông tư vấn đồng thời lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Hội phụ nữ xã, Hội nông dân, các cuộc họp thôn xóm… Ngoài ra, bà cũng viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh của xóm. Đặc biệt, bà Sót không quản nắng mưa, đi từng nhà để nắm chắc đối tượng, tâm lý của từng đối tượng để có cách vận động phù hợp, đồng thời chỉ rõ những khó khăn trong cuộc sống cho các cặp vợ chồng khi sinh nhiều con. Bản thân các cộng tác viên sinh con một bề nhưng không sinh thêm con thứ 3, đã tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ… Với cách làm đặc biệt đó, đến nay, đa số người dân trong xóm đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc SKSS cho mọi người, mọi nhà.
Sự nhiệt tình, hăng say với công việc của bà Sót và gần 2.000 cộng tác viên dân số tại các địa bàn thôn, xóm, phố trên địa bàn tỉnh ta chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác Dân số- KHHGĐ của tỉnh thời gian qua. Thực tế, nhiệm vụ của đội ngũ cộng tác viên dân số không chỉ hỗ trợ chính quyền các cấp cập nhật số liệu dân số mà còn cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, đa số đội ngũ cộng tác viên dân số trong toàn tỉnh là những người đã lớn tuổi và thường kiêm nhiệm nhiều công việc đoàn thể khác, nhiều cộng tác viên chưa qua đào tạo bài bản… Một khó khăn nữa đối với đội ngũ cộng tác viên dân số đó chính là mức thù lao cho mỗi cộng tác viên mới chỉ có 150.000 đồng/người/tháng từ nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia dân số -KHHGĐ. Với mức phụ cấp này, nhiều trường hợp không đủ trang trải chi phí đi lại, chi phí điện thoại liên lạc công việc… Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn ấy, bằng lòng nhiệt tình, say mê với công việc, đội ngũ cộng tác viên trong tỉnh đã không ngừng học hỏi, tự đọc, tự học để cập nhật, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, kỹ năng giao tiếp và khả năng thuyết phục đối tượng nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ ở cơ sở, hàng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đều tổ chức tập huấn cho 100% cộng tác viên mới nhận nhiệm vụ. Tham dự lớp tập huấn là các cộng tác viên Dân số - KHHGĐ thôn, xóm đến từ 8/8 huyện, thành phố. Trong khoảng thời gian diễn ra lớp tập huấn, các học viên đã được các giảng viên của Chi cục Dân số - KHHGĐ cung cấp các kiến thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược Dân số/SKSS giai đoạn 2011-2020; kiến thức cơ bản về Dân số/SKSS/KHHGĐ/nâng cao chất lượng giống nòi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phương pháp ghi chép vào sổ "theo dõi dân số và kế hoạch hóa gia đình" và thu thập cập nhật thông tin, lập phiếu thu tin nhằm đáp ứng yêu cầu công tác Dân số - KHHGĐ tại cơ sở. Với tinh thần học tập nghiêm túc, tích cực, các học viên đã cầu thị tiếp thu những kiến thức cơ bản về Dân số/ SKSS/ KHHGĐ. Sau khóa học, 100% học viên đã nắm chắc được những nội dung cơ bản, các kỹ năng và sẵn sàng tổ chức hoạt động Dân số/ SKSS/KHHGĐ tại cơ sở.
Nguyễn Hùng