Đến nay, 100% các trường tiểu học đã triển khai chương trình Tiếng Anh mới, với 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 tham gia và từng bước cho học sinh lớp 1, 2 làm quen với môn tiếng Anh. Tuy nhiên, tại nhiều nhà trường, việc thực hiện Đề án còn gặp khó khăn về đội ngũ, trang thiết bị dạy và học, đòi hỏi các nhà trường và ngành Giáo dục có các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường.
Tại Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư), việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh được nhà trường quan tâm. Trường có 3 giáo viên dạy tiếng Anh, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và yêu nghề. Từ năm học 2017-2018, nhà trường ký hợp đồng với Trung tâm Ngoại ngữ đưa người nước ngoài vào giảng dạy nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh.
Theo cô giáo Tống Thị Xuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Giang (Hoa Lư), thực hiện "Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", những năm qua, nhà trường thường xuyên quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên. Trường đã đầu tư xây dựng 2 phòng học Tiếng Anh, với đầy đủ các trang thiết bị nghe, nhìn hỗ trợ. Không gian các lớp học được trang trí bằng nhiều hình ảnh sinh động theo nhiều chủ đề khác nhau, từ đó tạo hứng thú và giúp học sinh tiếp cận, làm phong phú thêm vốn từ vựng tiếng Anh.
Ngoài giờ học trên lớp, Trường Tiểu học Ninh Giang thường xuyên tổ chức sinh hoạt CLB tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh; xây dựng không gian, môi trường dạy, học, thực hành tiếng Anh; thiết kế, sử dụng các biển hiệu song ngữ tại sân trường, lớp học... nhằm tăng sự giao lưu, động viên, khuyến khích và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường. Đồng thời bàn bạc, xin ý kiến phụ huynh học sinh đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy tiếng Anh cho học sinh của trường nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói cho các em. Các tiết học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài thường được tổ chức bằng nhiều hoạt động như múa hát, đối thoại, các trò chơi…, đòi hỏi các em phải huy động các kỹ năng nghe, nói, cử động chân tay, biểu hiện nét mặt…, khiến học sinh hào hứng, yêu thích môn tiếng Anh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 94% học sinh được học 4 tiết/tuần môn tiếng Anh, tăng 11% so với năm học trước; gần 60% học sinh khối lớp 1, 2 được làm quen với tiếng Anh. Đặc biệt, để tăng khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, hiện nhiều trường tiểu học trong tỉnh đã tổ chức các tiết học có yếu tố nước ngoài, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, sự đồng thuận của tập thể sư phạm nhà trường và sự quản lý của Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, góp phần giúp học sinh tăng sự giao lưu, nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Nhờ sự quan tâm của các nhà trường, sự nỗ lực của các thầy, cô giáo dạy ngoại ngữ trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chất lượng dạy và học tiếng Anh của các nhà trường không ngừng được tăng lên qua các năm. Số lượng học sinh tham gia các cuộc thi Toefl, IOE, OSE, giải toán bằng tiếng Anh qua mạng… tăng qua các năm, trong đó có nhiều em đạt giải khu vực, cấp quốc gia…
Hiệu quả việc dạy ngoại ngữ trong các trường Tiểu học thì đã rõ. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là vấn đề kinh phí đầu tư cho các phòng học tiếng Anh chuyên biệt. Với các trường có quy mô từ 10-30 lớp học, cần từ 1-3 phòng học ngoại ngữ cơ bản và 1 phòng chuyên dụng.
Nhưng do kinh phí hạn hẹp, hiện hầu hết các trường tiểu học mới chỉ bố trí đầu tư được một phòng học tiếng Anh chuyên biệt. Cùng với đó, số lượng, chất lượng giáo viên không ổn định, nhiều trường phải ký hợp đồng với giáo viên tiếng Anh bên ngoài nên không chủ động được việc phân công giảng dạy, dẫn đến một số trường không đảm bảo kế hoạch dạy học 4 tiết/tuần cho học sinh lớp 3,4,5 và 2 tiết/tuần cho học sinh lớp 1,2 theo kế hoạch năm học. Hơn nữa, vài năm gần đây, số học sinh có xu hướng tăng nhanh, từ đó cơ sở vật chất, phòng học không đáp ứng kịp, có những lớp học tiếng Anh lên tới gần 40 em, trong khi phòng học diện tích chật hẹp, rất khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động dạy và học theo phương pháp mới.
Để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án dạy ngoại ngữ, là nâng cao toàn diện chất lượng, đạt bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; trong năm học mới 2018-2019 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tích cực tham mưu với các cấp, các ngành từng bước bố trí nguồn lực, đầu tư xây dựng thêm các phòng học tiếng Anh đạt chuẩn; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ giáo viên… tạo điều kiện cho tất cả các em học sinh trong các nhà trường được học tiếng Anh một cách tốt nhất.
Bài, ảnh: Hạnh Chi